Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo: ‘Huyết mạch’ khơi thông mọi nguồn lực

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu cho rằng, cần lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới…
Lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo. (Nguồn: Quốc hội)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Cân nhắc việc điều chỉnh mức trích lập Quỹ

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho rằng, cần quy định tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương phải dành cho đặt hàng các sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước.

Việc quy định rõ ràng một tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Nghị định kèm theo quy định cụ thể về phương án tài chính đối với hoạt động đặt hàng theo hướng khoán chi để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cho phép trích lập tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, cần mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương cho nhân sự nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia, mua vật tư linh kiện phục vụ thử nghiệm, thử sản phẩm mẫu, tham dự hội thảo chuyên ngành, kiểm nghiệm, mua sắm thiết bị, máy móc và các sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu. Giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục cụ thể và quy định không bắt buộc lập đề tài, nhiệm vụ cho từng khoản chi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng quỹ theo nhu cầu thực tế, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo.

Lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới
Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai. (Nguồn: Quốc hội)

Liên quan Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai cho hay, dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” (khoản 1 Điều 65).

Nhưng nội dung này chưa hoàn toàn thống nhất với tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, Nghị quyết cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, điểm quan trọng là Nghị quyết 68 còn mở rộng phạm vi sử dụng quỹ, cho phép doanh nghiệp không chỉ triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển nội bộ, mà còn có thể đặt hàng nghiên cứu bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm một cách làm linh hoạt, phù hợp với xu hướng đổi mới sáng tạo mở hiện nay.

Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc việc điều chỉnh mức trích lập quỹ từ 5% lên mức cao hơn. Việc nâng tỷ lệ trích lập quỹ không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư bài bản, dài hạn vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, bền vững, có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Trả lời