Hát Đúm – Loại hình nghệ thuật truyền thống của người dân Thủy Nguyên cần được bảo tồn

Đã từ lâu, cứ vào những ngày đầu của tháng giêng âm lịch hàng năm, Tổng Phục xưa nay chủ yếu là ba xã Lập Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ, lại mở Hội làng. Hội làng đầu xuân có rất nhiều cuộc thi trong đó có thi hát Đúm.

Đây là hội thi hát có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở tầng lớp thanh, thiếu niên.

Năm 2018, hát Đúm được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay lễ hội được tổ chức trong 02 ngày, từ ngày 04 đến ngày 05 tháng giêng năm Quý Mão (2023) tại trung tâm xã Lập Lễ.

Hát Đúm - Loại hình nghệ thuật truyền thống của người dân Thủy Nguyên cần được bảo tồn - 1

Hát Đúm Thủy Nguyên

Hát Đúm ở Thủy Nguyên có nhiều điểm riêng biệt hơn cả, được thể hiện trong lối trang phục, âm ngữ và cách hát. Hát Đúm chủ yếu có 3 cao độ Rê, Son, La, không phức tạp về giai điệu mà phát triển về lời ca. Trải qua hàng nghìn năm, những người hát sáng tác vô vàn lời ca phản ánh đời sống của người dân vùng ven biển.

Người con gái ở tổng phục xưa thường có thói quen chít khăn mỏ quạ che mặt để giữ gìn nhan sắc, chiếc khăn chỉ được cởi bỏ một phần duy nhất trong năm đó là dịp hội làng đầu xuân và cũng là hội hát Đúm, nếu chàng trai chiếm được tình cảm của cô gái sau những bài hát, cô gái sẽ mở khăn che mặt thể hiện sự tâm đầu ý hợp. Vì vậy, hội hát Đúm ngày xuân cũng còn là ngày hội mở mặt.

Hát Đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.

Bài bản của hát đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới… và cuối cùng là hát ra về.

Trong ngày hội “Hát đúm”, có thể có nhiều bàn hát đúm mọc lên, mỗi bàn kê hai bộ tràng kỷ đối diện nhau. Giữa bàn để nhiều hộp trầu và khăn tay thêu cành hồng (tặng phẩm). Một bên trai, một bên gái ngồi hai bên dãy tràng kỷ. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Thường thì cả hai bên trai gái vào hát đều di động để nếu nhỡ một anh hát bí hay bị hỏi, đố, lúng túng không trả lời được thì ra hiệu cho anh kia hát đỡ, gỡ bí cho. Khi hát có nhạc bát âm, hai bên trai gái đối đáp nhau. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương “tìm hiểu” bằng nghệ thuật, phải thuộc làu tục ngữ, truyện tích.

Hát đúm vui nhất là hôm hát giã đám. Lúc này họ trao giữ kỷ vật cho nhau, nấn ná thậm chí đến tận khuya, mà đưa ra toàn những bài hát hay, mới nhất từ nỗi lòng sâu kín của họ. Hôm đó hai bên ít hát đối đáp mà toàn những bài trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến… Những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… Họ mong đợi mùa hội sau, để lại được say đắm trong tiếng hát của nhau.

Vào những ngày xuân, hát Đúm như trỗi dậy một sức sống mới vốn tiềm ẩn từ lâu trong tâm trí và tấm lòng của những người con quê hương hát đúm. Các chàng trai, cô gái vẫn duyên dáng, say sưa trong những làn điệu hát Đúm ngày xuân. Hát Đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian khác đã phải trải qua những bước thăng trầm. Vậy mà, sức sống lâu bền, mãnh liệt của nó vẫn còn đến ngày hôm nay.

Nguồn tin: Hát Đúm – Loại hình nghệ thuật truyền thống của người dân Thủy Nguyên cần được bảo tồn (arttimes.vn)

Trả lời