Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 của Chính phủ vừa qua, Bộ Xây dựng đã thông tin về tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương giai đoạn từ 2021 đến nay, tính đến ngày 30/7/2024, cả nước đã triển khai 619 dự án nhà ở xã hội với quy mô 561.816 căn. Trong đó, 79 dự án với quy mô 40.679 căn đã hoàn thành; 128 dự án với quy mô 111.688 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng; 412 dự án với quy mô 409.449 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2023, Việt Nam đã có thêm 124 dự án nhà ở xã hội được triển khai, số lượng dự án hoàn thành tăng thêm 9 dự án với 5.123 căn hộ sẵn sàng đón chủ mới, góp phần không nhỏ vào giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của rất nhiều người thu nhập thấp.
Có thể thấy, xác định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, nằm trong quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, hỗ trợ người khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo đường hướng và tháo gỡ khó khăn.
Quan trọng hơn, tinh thần “chung sức, đồng lòng” vì mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cho người dân được hưởng ứng tại hầu khắp các tỉnh, thành, địa phương. Nhiều nơi đã ưu tiên dành quỹ đất cho loại hình bất động sản này.
Theo số liệu Bộ Xây dựng công bố ngày 10/7/2024, cả nước đã quy hoạch hơn 10.000 ha đất cho nhà ở xã hội. So với báo cáo năm 2020, diện tích đất đất phát triển nhà ở xã hội đã tăng thêm 6.641 ha, điển hình như Đồng Nai dành 1.064 ha, TP. Hồ Chí Minh dành 609 ha, Quảng Ninh dành 704 ha, Hải Phòng dành 837 ha…
Những hành động cụ thể, thiết thực cũng liên tiếp được ghi nhận. Tại Bà Rịa – Vùng Tàu, dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 4 dự án nhà ở xã hội quy mô 6.903 căn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án, quy mô 2.714 căn; trong đó, 3 dự án đang triển khai thi công, dự kiến hết năm 2024 hoàn thành, cung ứng 313 căn. Dự án còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025.
Trong khi đó, Long An có 7 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024, quy mô 4.550 căn. Có 24 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã có chủ trương, với quy mô 50.835 căn.
Được xác định là một trong hai tỉnh/thành trọng điểm trong phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội vừa đề xuất 9 khu đất để phát triển tập trung với quy mô khoảng 600 ha tại các quận, huyện gồm: Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm và Mê Linh.
Tháng 5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, đặt ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có yêu cầu ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn vốn cho chủ trương này.
Về phía Chính phủ, ngoài các nghị định, nghị quyết, chỉ đạo, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hai sự kiện về nhà ở xã hội.
Đó là Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố vào tháng 3/2024 và cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” vào tháng 5/2024.
Mới đây, ngày 5/8/2024, tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng, Thủ tướng đã hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140.000 tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi; yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới và đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 34.
Ngoài việc theo dõi, đôn đốc việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua nhà ở xã hội từ 3-5% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ, theo một trong những đề xuất của Bộ Xây dựng.
Về thể chế, Luật Nhà ở 2023 cùng Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư 05/2024/TT-BXD hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 cũng chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 đã tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, rút gọn quy trình thủ tục đầu tư, quy trình lựa chọn chủ đầu tư, xác định chi tiết các thành phần cấu thành tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội là căn cứ để tính khoản lợi nhuận tối đa bằng 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội.
Từ phía cầu, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội được mở rộng, điều kiện để được hưởng chính sách được làm rõ và các biểu mẫu xác định người dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đã sẵn sàng.
Những điều này được đánh giá là “cú hích” cho phân khúc nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra trong Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, mà trước mắt là hoàn thành khoảng 130.000 căn trong năm 2024.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng giấc mơ về một nơi ở ổn định, chất lượng và mang đậm tình người của cộng đồng những người lao động thu nhập thấp sẽ sớm thành hiện thực.
Nguồn tin: Những ‘cú hích’ cho nhà ở xã hội (baoquocte.vn)