Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, sinh viên cần có tâm thế tự tạo việc làm cho mình, cho bạn mình, thay vì chỉ nghĩ đến việc làm 30 – 40 bộ hồ sơ để đi xin việc.
Chiều 10/1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Thanh niên – động lực của đổi mới sáng tạo quốc gia”. Cuộc tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tại cuộc tọa đàm, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, Việt Nam hiện có trên 1,4 triệu sinh viên, với trên 200 trường đại học có cơ sở thí nghiệm cho sinh viên phát triển các ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Theo ông Thắng, lực lượng sinh viên Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ giàu năng lực, khát vọng vươn lên. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên, học sinh sáng tạo (thông qua Đề án 844/2017 và Đề án 1665/2018), các trường đại học và các tổ chức liên quan có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, tạo “vườn ươm” ươm tạo những ý tưởng đổi mới.
Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Tâm thế đổi mới sáng tạo thì cần lan tỏa đến tất cả mọi chủ thể
Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Bùi Văn Linh Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT chia sẻ không có mẫu số chung cho mô hình thành công của hoạt động khởi nghiệp, nhưng tại Việt Nam, nhân vật trung tâm chính là các bạn trẻ, các sinh viên, thế hệ công dân vàng, bởi đây là lực lượng có năng lực đổi mới sáng tạo tốt nhất, có ý chí thay đổi lớn nhất, sẽ quyết định thành công của công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo ông Linh, Bộ đã phát đi thông điệp đổi mới sáng tạo không phải phong trào mà là một hoạt động chuyên môn, phải đi vào chiều sâu tại các trường đại học, cũng như các tổ chức ươm mầm cho khát vọng trẻ.
Ông Bùi Văn Linh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ rẳng, không thể kỳ vọng tất cả các sinh viên sẽ đều trở thành doanh nhân sau này, bởi chỉ có một bộ phận có tố chất, dũng cảm, dám chấp nhận thất bại mới có thể trở thành doanh nhân.
“Đất nước cần nhân lực trong nhiều ngành nghề khác như giáo dục, y tế, an ninh, sản xuất…, nhưng tâm thế đổi mới sáng tạo thì cần lan tỏa đến tất cả mọi chủ thể, nhất là các bạn trẻ”, ông Linh cho biết.
Tâm thế ấy, trước hết phải bắt đầu từ tư duy đổi mới, không chấp nhận nghèo khó, thường xuyên làm mới mình.
Sinh viên, học sinh cần bám sát sự dẫn dắt của thầy cô, bạn bè, và sự hỗ trợ nhà đầu tư, các doanh nghiệp và giữ nhiệt huyết đổi mới sáng tạo như một nhiệm vụ quan trọng thứ hai, bên cạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là học tập thật tốt tại nhà trường.
Đặc biệt, theo ông Linh, sinh viên cần có tâm thế tự tạo việc làm cho mình, cho bạn mình, thay vì chỉ nghĩ đến việc làm 30 – 40 bộ hồ sơ để đi xin việc.
“Chính tâm thế làm chủ sẽ dẫn dắt các bạn trẻ đến với đổi mới, sáng tạo và nếu được sự hỗ trợ phù hợp, chắc chắn sẽ tạo nên một văn hóa dám thay đổi để vượt qua chính mình”, ông Linh nói.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tại cuộc tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Một trong mục tiêu lớn nhất trong đào tạo của nhà trường là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân vừa đủ kiến thức, kỹ năng, đồng thời có bản lĩnh để thực hiện công việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
“Chúng tôi quan niệm rằng, đội ngũ nhân sự nói trên phải có một bầu máu nóng, nhưng lại phải có cái đầu lạnh. Để có được đội ngũ nhân sự như này trường chúng tôi thực hiện các hoạt động sau: Trong bối cảnh công nghệ 4.0, nội dung các môn học cũng dần được đổi mới, có những môn học mới như kinh tế số, phân tích kinh doanh, công nghệ tài chính…
Chúng tôi cố gắng cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sinh viên có đủ năng lực để thực hiện đổi mới sáng tạo, cũng như khởi nghiệp…”, PGS.TS. Phạm Hồng Chương nói.
Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế phát triển
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nếu chúng ta không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ thì khó thúc đẩy vào tạo sự “bứt phá” cho nền kinh tế phát triển.
“Chúng ta đã có Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 50 của Chính phủ đã đưa ra và nhấn mạnh các vấn đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Chúng ta thấy rằng, nội dung văn kiện Đại hội cho Đại hội XIII tới đây đã có một phần vô cùng quan trọng, đó là: Một trong những khâu đột phá, trụ cột rất quan trọng đó là vấn đề về con người, nguồn nhân lực, văn hóa và vấn đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như công nghệ số, kỹ thuật số, chuyển đổi số. Đó là những vấn đề chúng ta đang rất chú trọng”, bà Lan chia sẻ.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết thêm, hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Hiện nay, khoa học công nghệ đã được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nói về vai trò của nông nghiệp, bà Lan cho biết, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp đã khẳng định được vai trò, vị thế, đó là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước trong những lúc khó khăn.
Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi thực hiện chủ trương khởi nghiệp, nhà trường đã có nhiều hoạt động: Đầu tiên là những hoạt động có tính chất gợi mở, nhưng những năm sau đó thì càng hoạt động sâu sắc hơn.
Hiện nhà trường đã thực hiện rất nhiều chương trình khởi nghiệp và dự các cuộc thi sáng tạo, nhiều sinh viên đã có ý tưởng xuất sắc. Nhiều dự án khởi nghiệp đã thành công, hiện nay đã phát triển thành các doanh nghiệp, như: Chè Shan Tuyết, trang trại gà, trồng rau,…
“Gần đây chúng tôi đã phát động chủ trương trong toàn học viện, không những chỉ có sinh viên mà các thầy cô giáo, cán bộ trẻ phải phát huy được công nghệ để công nghệ đi vào cuộc sống.
Chúng tôi có những chính sách để hỗ trợ thực sự cho các thầy, cô, sinh viên gắn kết với nhau để tạo ra những doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhà trường. Đây là một chủ trương mà chúng tôi nghĩ cần phải thúc đẩy…”, bà Lan cho biết.
Nguồn:https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/sinh-vien-can-co-tam-the-tao-viec-lam-cho-minh-cho-nguoi-khac-20210110203702141.htm