Trung Quốc trở thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới

Năm 2020 đánh dấu năm đầu tiên trong lịch sử đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc vượt qua Mỹ. Trung Quốc hiện là nước nhận FDI lớn nhất thế giới.

Theo một báo cáo do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 24/1, đầu tư trực tiếp vào Mỹ của các công ty nước ngoài đã giảm mạnh 49%, xuống còn 134 tỷ USD vào năm 2020. Ngược lại, đầu tư FDI vào Trung Quốc tăng 4%, lên 163 tỷ USD.

Covid-19 là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến đầu tư FDI vào Mỹ và hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Đánh bại Mỹ, Trung Quốc trở thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới
Các nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất WEY Tank 300 SUV tại một nhà máy của Great Wall Motors ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Theo Bộ Thương mại Mỹ, sau khi đạt mức cao kỷ lục 440 tỷ USD vào năm 2015, đầu tư FDI vào nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm mạnh. Các chính sách thương mại đơn lẻ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm tổn hại đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến đầu tư của Mỹ giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng trên toàn cầu cũng góp phần vào sự suy giảm này.

Theo báo cáo, năm 2020, sự sụt giảm FDI vào Mỹ nổi bật nhất trong lĩnh vực thương mại bán buôn, dịch vụ tài chính và sản xuất. Hoạt động mua bán và sáp nhập quốc tế, cũng như việc bán tài sản của Mỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài giảm 41%.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ của Trung Quốc và sự phục hồi nhanh chóng hậu Covid-19 của quốc gia này đã góp phần giúp FDI tăng vọt. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, khi hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều bị thu hẹp.

Quốc gia này đã thực thi các chính sách khóa cửa và theo dõi dân số nghiêm ngặt nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đồng thời dành hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo lưu ý rằng, khả năng kiểm soát sự lây lan đại dịch của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ổn định đầu tư sau khi bị khóa đầu.

Không chỉ Trung Quốc, FDI vào Ấn Độ cũng tăng vọt, từ mức dưới 25 tỷ USD vào năm 2014, trước khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, lên 57 tỷ USD vào năm ngoái.

Phần lớn sự tăng trưởng đó là do các chính sách cho phép các thương hiệu lớn như Ikea và Uniqlo mở thêm chi nhánh, cũng như chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi để phát triển cơ sở sản xuất của đất nước.

Dưới tác động của Covid-19, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới không may mắn như Trung Quốc và Ấn Độ. FDI vào Anh và Italy giảm gần 100%. FDI đến Nga giảm 96%, Đức giảm 61% và Brazil giảm 50%. Ngoài ra, các quốc gia từng nằm trong số các nước nhận FDI hàng đầu thế giới năm 2019 như Australia, Pháp, Canada và Indonesia cũng giảm hai con số vào năm nay.

Nhìn chung, FDI toàn cầu trong năm 2020 đã giảm mạnh từ 1.500 tỷ USD trong năm 2019 xuống khoảng 859 tỷ USD, tương đương mức giảm 42%.

James Zhan, giám đốc bộ phận đầu tư của UNCTAD nhận định, ảnh hưởng của đại dịch đối với đầu tư sẽ còn kéo dài. Các nhà đầu tư có thể vẫn thận trọng trong việc cam kết rót vốn vào các cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài.

Nguồn:https://baoquocte.vn/danh-bai-my-trung-quoc-tro-thanh-quoc-gia-thu-hut-fdi-lon-nhat-the-gioi-134811.html

Trả lời