Miền Trung sẽ có thêm sân bay 8 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải đã Quyết định số 188/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. 

Tin bất động sản hôm nay ở miền Bắc

Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hà Nội về xác định tầng cao và chiều cao công trình dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn tại khu đất số 200 Yên Phụ, đường Yên Phụ và Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Khu đất số 200 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ và Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội là khu đất khách sạn Thắng Lợi trước đây, hiện đã đổi tên thành Hilton Hanoi Westlake. (Nguồn: Dân trí)
Khu đất số 200 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ và Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội là khu đất khách sạn Thắng Lợi trước đây, hiện đã đổi tên thành Hilton Hanoi Westlake. (Nguồn: Dân trí)

Theo Bộ Xây dựng, việc xác định chiều cao các công trình nói chung, tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn nói riêng, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch chi tiết (hoặc tổng mặt bằng), thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, trên nguyên tắc phù hợp các mục tiêu quản lý kiến trúc cảnh quan theo đặc thù từng đô thị, từng khu vực của đô thị; đảm bảo các yêu cầu quản lý về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan và độ cao tĩnh không được phép xây dựng.

Khu đất số 200 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ và Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội là khu đất khách sạn Thắng Lợi trước đây – một trong những khách sạn có tuổi đời khá lâu của Hà Nội với trên 40 năm, từ khi đi vào hoạt động, khách sạn nhiều lần được thay đổi mô hình quản lý.

Cuối năm 2014, Tập đoàn BRG đã mua lại vốn của khách sạn này. Đến tháng 12/2016, Tập đoàn Hilton Worldwide đã ký kết thỏa thuận quản lý khách sạn này theo tiêu chuẩn 5 sao và sử dụng thương hiệu Hilton Hanoi Westlake – thuộc Tập đoàn Hilton.

Theo đơn đề nghị cấp phép dự án của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Khách sạn Thắng Lợi, doanh nghiệp này đề xuất giữ nguyên khối công trình cao 1-3 tầng đã xây trên đất có mặt nước. Tuy nhiên, khối dịch vụ khách sạn một tầng tại trung tâm khu đất được đề xuất dỡ bỏ để xây mới công trình 36 tầng với chức năng tổ hợp dịch vụ, thương mại, khách sạn và căn hộ dịch vụ.

UBND TP Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây.

Tin bất động sản hôm nay ở miền Trung

Ngày 26/1, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 188/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn T&T đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh trên diện tích hơn 316 ha. Trong đó, diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87 ha, diện tích đất quân sự hơn 51 ha, diện tích dùng chung hơn 177 ha.

Cảng hàng không Quảng Trị là cảng hàng không nội địa thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương.

Sân bay có 5 vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Hệ thống đường cất, hạ cánh gồm 1 đường cất, hạ cánh theo hướng 04- 22; kích thước 2.400 m x 45 m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5 m.

Ngoài ra còn có cầu cạn, đường nội bộ, đường công vụ. Hệ thống sân đỗ ô tô được xây dựng phía trước nhà ga hành khách diện tích khoảng 8.900 m2 ; có khả năng mở rộng đồng bộ với việc mở rộng nhà ga hành khách. Cảng có trạm sửa chữa, bảo dưỡng và đăng kiểm xe cơ giới; khu cấp nhiên liệu, khu dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy bay, trung tâm dịch vụ thương mại và một số công trình phụ trợ khác.

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị. (Nguồn: Nhandan.com.vn)
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị. (Nguồn: Nhandan.com.vn)

Tin bất động sản hôm nay ở miền Nam

Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, ăn theo thông tin TP Thủ Đức, bất động sản khu vực phía Đông TP.HCM đang ‘sốt’ giá suốt mấy tháng qua.

Không chỉ quận Thủ Đức, nơi sẽ được đặt trung tâm hành chính của TP Thủ Đức, giá bất động sản tăng giá chóng mặt mà Q.2, Q.9 vốn là những khu vực giá đất nền đã tăng mạnh trước đó cũng tăng theo.

Khảo sát cho thấy, hiện tại khu vực Q.9 rất khó tìm nền đất 50m2 có giá bán 2 tỷ đồng, thậm chí, 3 tỷ đồng cũng khó mua được nền đất đẹp. Ngay cả các nền trong hẻm sâu, ở các khu dân cư mới cách đường lớn khá xa giá cũng đã ở ngưỡng 2.4-2.8 tỷ đồng/50m2.

Trong khi giá thời điểm tháng 10/2020 đang còn ở mức từ 2-2.3 tỷ đồng/nền cùng diện tích.

Đặc biệt, trong vòng 3 tuần trở lại đây, các nền đất có sổ có hiện tượng tăng giá chóng mặt. Những lô đất diện tích 50m2 tại P.Long Trường, P.Trường Thạnh (Q.9) có giá 2,15 tỷ đồng đã nhảy vọt lên 2,6 tỷ đồng/nền. Tương tự, các lô đất tại P.Long Phước, Phú Hữu, Phước Long A… cũng tăng giá trong khoảng thời gian ngắn.

Theo công bố mới đây của CBRE Việt Nam, giá bất động sản tại Thủ Đức, Quận 9, Quận 2 lần lượt ghi nhận mức tăng 70%, 47% và 24% trong vòng 1 năm. Thủ Đức, Q.9 ghi nhận mức giá tăng cao nhất; một số dự án mới tại các khu vực này chào bán với mức giá cao hơn 47-70% so với mặt bằng chung của khu vực.

Các chuyên gia nhận định, hệ lụy bong bóng xì hơi có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu tình trạng tăng giá bất động sản vẫn diễn ra.

Năm 2021 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi tích cực

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Cổ phần Bất động sản MGV.S, đơn vị có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối bất động sản nghỉ dưỡng, bước sang năm 2021, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực.

Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng, điển hình như tại các địa phương Quảng Ninh, Phú Quốc… Tại các thị trường này cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trên cả nước, tỉ lệ hấp thụ các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với quý I và II.

Đặc biệt, Phú Quốc đã sôi động trở lại khi trở thành thành phố biển đảo đầu tiên tại Việt Nam với những dự án với quy mô lớn được đầu tư bài bản dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ của các chủ đầu tư lớn như: Vingroup ở Bắc Đảo, Sun Group ở Nam Đảo và BIM Group ở Bãi Trường…

Các chuyên gia dự báo, ở kịch bản khả quan, tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn thế giới, bất động sản nghỉ dưỡng như “lò xo” bị dồn nén sẽ có sức bật lớn khi gặp điều kiện thuận lợi. Thị trường bất động sản sẽ phát triển ở mức tương đương hoặc thậm chí cao hơn năm 2019.

Kịch bản dịch bệnh trong nước và quốc tế chưa được kiểm soát, dù sẽ gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên thị trường bất động sản quý I/2021 vẫn sẽ giữ được đà tăng trưởng của quý IV/2020. Nhưng nếu không có sự can thiệp của Chính phủ và sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp, về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, dù kịch bản nào xảy ra trong 2021 đi chăng nữa, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng và an toàn trong trung và dài hạn.

Nguồn:https://baoquocte.vn/tin-bat-dong-san-hom-nay-281-se-co-them-san-bay-8000-ty-o-mien-trung-dat-thu-duc-sot-sinh-sich-135086.html

Trả lời