Môi trường sống và hy vọng sống

Lâu nay chúng ta thường nói nhiều đến môi trường sống, nó mang nội hàm của nhiều lĩnh vực, tác động đến đời sống của con người trên trái đất nói chung và Việt Nam nói riêng. Những vấn đề khác các cơ quan nhà nước, truyền thông đại chúng đã và đang nhắc đến mỗi ngày, người viết chỉ xin nói về một góc nhìn khác mà đáng để bàn và ngẫm.

“Vitamin thiên nhiên” là liều thuốc quan trọng cho sức khỏe con người.

Nếu ai đã từng trải nghiệm ở Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hoặc xa hơn là các nước phát triển châu Âu, châu Mỹ, từng đến thăm người bệnh hoặc bản thân vào khám chữa bệnh, sẽ dễ nhận thấy sự khác biệt quá lớn đối với Việt Nam.

Bệnh viện của Việt Nam từ cấp cơ sở đến cấp trung ương, nơi nào cũng luôn chật kín bệnh nhân, nằm la liệt từ trong phòng đến hành lang, khuôn viên bệnh viện, vô cùng lôi thôi, nhếch nhác. Bệnh viện của các nước khác thì luôn vắng bệnh nhân, yên tĩnh lạ thường, luôn sạch sẽ, như khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn 3-5 sao.

Vấn đề đặt ra là, tại sao Việt Nam chúng ta lại có đông bệnh nhân là trẻ nhỏ và người già đến thế? Chúng ta thiếu dinh dưỡng, đói ăn hay hệ thống y tế cộng đồng chưa tốt? Không phải vậy, mà chúng ta đang thiếu môi trường sống, không gian sống, không khí sống trong lành và tốt cho gần 100 triệu người dân.

Cần chính sách đủ mạnh để bảo vệ môi trường, để giảm thiểu bệnh tật, để các bệnh viện không còn chật cứng người.

Từ Bắc vào Nam, đi suốt dải đất hình chữ S của đất nước, ta nhận thấy màu xanh cần có của cây lá, của rừng bị cạn kiệt, bị tàn phá nghiêm trọng. Quy hoạch đô thị cũ và mới nhiều khi theo cách nhìn “một chiều” và phê duyệt “cảm tính” của chính quyền địa phương. Nhà máy hãng xưởng xả thải độc hại ra môi trường ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Cả đất nước, các vùng miền, đô thị, nông thôn biểu đồ đều báo động nguy hiểm, có nơi cực kỳ nguy hiểm về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khí thở.

Mỗi ngày, mỗi giờ chúng ta đã hít thở vào phổi, vào cơ thể rất nhiều chất độc hại. Con trẻ và người già là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, dễ bị lây nhiễm nhất dẫn đến bệnh viện luôn chật kín người khám chữa bệnh, con số tử vong vào loại cao nhất, nhì thế giới.

Muốn có một quốc gia thịnh vượng, một nền kinh tế trong Top đầu của khu vực và thế giới, rất cần xây dựng một thể chế, một chính sách mạnh mẽ nhất để phủ xanh lại đất nước, để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp… Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành mục tiêu đã được hoạch định trong tương lai.

Thảm trạng nhiều năm qua và đặc biệt xảy ra năm nay về thiên tai, lũ lụt trên diện rộng, chưa từng có trong lịch sử, đã minh chứng một điều rằng: Những việc làm được trong tầm tay nhưng chúng ta không quyết liệt làm; những việc đã được thế giới và Việt Nam cảnh báo sớm về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta thờ ơ, không quan tâm chỉ vì mục đích phát triển kinh tế.

Nhưng kinh tế của chúng ta đã được như kỳ vọng hay không và đến khi nào mới đạt được kỳ vọng, cũng là câu hỏi buộc các nhà chức trách, nhà lãnh đạo qua các nhiệm kỳ phải trả lời.

Muốn đất nước phát triển, điều tiên quyết phải có con người mạnh khỏe, phải đẩy lùi ô nhiễm môi trường, con người phải hòa đồng với thiên nhiên, màu xanh phải trả lại, phải sinh sôi tốt hơn, đồng bộ hơn.

Khi đó chúng ta mới có thời gian, không gian, môi trường sống tốt để nghĩ đến phát minh, sáng chế và thực hiện cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số. Chúng ta muốn phát triển nhảy vọt nhưng bản thân luôn ốm yếu, bệnh hoạn, người thân thì luôn thường trực nằm bệnh viện…thì không thể nghĩ được điều lớn lao, nếu có nghĩ đến trên văn bản, hồ sơ, cũng chỉ là nghĩ rồi để đó.

Một câu chuyện trên đất nước Canada mà tôi được trải nghiệm, rất nhiều bệnh viện, to, đẹp, hoành tráng, thiết bị hiện đại nhất nhưng khi vào thăm bệnh viện thấy bác sỹ, nhân viên  không có việc làm, bởi họ không có bệnh nhân, nếu có người bệnh thì chỉ cần đến khám tại bác sĩ gia đình là xong. Trừ những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân mắc bệnh nan y, hiểm nghèo mới đến các bệnh viện lớn.

Chính phủ và người dân họ bảo vệ môi trường, chăm sóc môi trường theo đúng quy định của pháp luật và còn tốt hơn thế. Đơn giản như trong vườn nhà tôi, đất của tôi, cây trồng tôi bỏ tiền mua về, chăm bẵm đến khi cây lớn, nhà chức trách đến và họ kiểm tra, đo đạc, xem chủng loại cây có phù hợp không. Rồi họ đánh số và cây, làm hồ sơ cây. Yêu cầu chủ nhà ký tên vào hồ sơ không được phép đốn hạ, không được phép di chuyển khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Chủ nhà phải chấp hành bởi đây là luật pháp và mọi người phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhất. Môi trường được bảo vệ tối ưu, màu xanh luôn phủ kín những khu vực được quy hoạch công viên, khu vực trồng cây xanh, đối với các loại rừng thì càng được bảo vệ tốt hơn vì họ không chấp nhận lâm tặc, không chấp nhận mua bán vận chuyển gỗ trên thị trường.

Còn ở ta thì khác, có nơi “thích” thì trồng, “thích” thì chặt, rừng cũng phá, đồi cũng phá. Nếu cần canh tác thì đốt rừng, phá đồi làm của riêng, ngay cả thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người ta cũng viện dẫn đủ lý do khả thi để đốn hạ những cây lâu năm có tuổi đời hàng thế kỷ.

Hàng năm, Việt Nam phải chi rất nhiều tiền cho khám chữa bệnh không chỉ trong nước mà những gia đình có điều kiện, họ đã chi hàng tỷ đô la cho người thân đi khám chữa bệnh ở nước ngoài. Một gánh nặng cho xã hội, cho tổ chức và cá nhân.

Giải quyết căn cơ tình trạng hiện nay, là phải giảm thiểu mức thấp nhất người bệnh, không phải là xây nhiều bệnh viện, không phải là mua nhiều thuốc quý, trang thiết bị y tế hiện đại mới là giải pháp.

Mà là môi trường sống trong lành, mặc nhiên sức khỏe người dân được bảo đảm, thì ngân sách nhà nước và tư nhân đã tiết kiệm được khoản tiền lớn để đầu tư sang lĩnh vực khác, tạo nhiều sản phẩm tốt hơn cho xã hội, bớt nỗi lo về bệnh của bản thân và người thân.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 71.300 ca tử vong do ô nhiễm, trong đó tử vong do ô nhiễm không khí chiếm trên 52.000 ca…

Dữ liệu được nghiên cứu từ hơn 9,3 triệu người tại 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trong suốt 3 năm từ 2015-2017, phân theo 4 mục: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chì và ô nhiễm nghề nghiệp.

Ô nhiễm không khí hiện đang ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trong khu vực châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng cứ 9/10 người trên thế giới đang hít thở bầu không khí có nồng độ chất gây ô nhiễm cao, dẫn tới 7 triệu người chết trẻ trên toàn cầu do ô nhiễm không khí xung quanh và không khí trong hộ gia đình.

Thủ tướng Chính phủ đã và đang phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh để cải thiện môi trường sống. Việc này không khó, nhưng vấn đề là trồng cây gì trên các vùng thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau của một đất nước nhỏ nhưng chạy dài, có nhiều vùng miền mang phong thổ khác biệt. Nhiệm vụ này không phải do người dân gánh vác.

Do bộ chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền sở tại gánh vác, có nghiên cứu nhanh và căn cơ về các loại cây, giống cây trồng phục vụ cho kế hoạch mà Chính phủ giao. Cung cấp cho người dân với giá thành rẻ nhất, phương án chăm sóc tốt nhất. Nếu có thể chính quyền sẽ cung cấp miễn phí cho người có nhu cầu.

Môi trường sống và hy vọng sống tốt, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội đâu phải là cao, xa mà từ những việc nhỏ nhất, đời thường nhất. Khi cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và người dân có ý thức bảo vệ mình cũng là bảo vệ môi trường sống.

Cần lắm một Luật hoặc Nghị định, chính sách đủ mạnh để bảo vệ môi trường đang tồn tại và phát triển nhân rộng từ tâm thức của mỗi người trong xã hội. Một mùa xuân mới đang gõ cửa mỗi gia đình, mong lắm chính quyền từ cơ sở đến trung ương đồng lòng, đồng sức để tìm lại những màu xanh đã mất đi, tạo thêm những màu xanh mới, dựng xây cho cuộc sống hôm nay và mai sau tươi đẹp hơn.

Nguồn:http://suckhoemoitruong.com.vn/moi-truong/moi-truong-song-va-hy-vong-song-id31076n.html

Trả lời