Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 3/2021?

Tháng 3/2021, với số tiền 1 tỷ, kỳ hạn một năm, chỉ có duy nhất Ngân hàng Kiên Long trả lãi suất cao nhất trên 7%. Các ngân hàng còn lại đều duy trì ở mức 5% đến dưới 7%/năm.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 3/2021?
Lãi suất ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm thời gian qua. (Nguồn: CafeF)

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

Từ đầu năm 2020 đến nay, lãi suất tiết kiệm cả kỳ hạn ngắn và dài đều liên tục giảm do thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào.

Do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng thấp và chậm nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi của các ngân hàng bị hạn chế. Vì vậy, các ngân hàng phải điều chỉnh để cân đối chi phí.

Hiện tại, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất cao nhất là 4,00%/năm thuộc về ngân SCB, SeaBank, Vietcapital, GPBank.

Kỳ hạn 3 tháng, SHB đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất 4,05%/năm

Kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất là 6,50%/năm thuộc về ngân CBBank.

Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng Kiên Long dẫn đầu với lãi suất 7,10%/năm, theo sau là NH SCB 6,95%/năm (7,3%/năm với số tiền gửi >500 tỷ), NH Nam Á 6,90%/năm.

Kỳ hạn 24 tháng, lãi suất ngân hàng Kiên Long cao nhất với mức 7,30%/năm.

Kỳ hạn 36 tháng, ngân hàng NCB và Kiên Long có lãi suất huy động cao nhất với mức 7,30%/năm.

Lãi suất ngân hàng có thể tăng dần từ cuối quý I/2021

Cùng với việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng cũng liên tục giảm mạnh. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 18/2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh từ 0,61 – 0,82 điểm % ở tất cả các kỳ hạn từ một tháng trở xuống.

Trước đó một ngày, lãi suất này cũng giảm, nhưng bước giảm không lớn bằng, chỉ khoảng 0,03 đến 0,37 điểm %. Như vậy, chỉ trong hai phiên giao dịch sau Tết, lãi suất VND liên ngân hàng đã giảm trung bình khoảng 1 điểm %. Chốt phiên giao dịch ngày 18-2, các mức lãi suất dừng ở mức qua đêm 1,47%; 1 tuần 1,53%; 2 tuần 1,68% và 1 tháng 1,72%.

Trong Báo cáo triển vọng vĩ mô năm 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia dự báo, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm do ba nguyên nhân.

Thứ nhất là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng.

Thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh.

Thứ ba là lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10-2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.

Ðồng quan điểm, Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng, chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. “Lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp”, báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2021 của VCBS nhận định.

Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, lãi suất ngân hàng có thể dần tăng cao từ cuối quý I/2021 do hoạt động sản xuất phục hồi, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng. Các ngân hàng từ đó cũng cần tăng lãi suất huy động để hấp dẫn nguồn tiền.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới và cả trong nước đang dần quen với trạng thái bình thường mới.

Việt Nam vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, ngăn chặn nguồn lây từ nước ngoài vào, khoanh vùng, truy vết, hạn chế tối đa sự lây lan ở trong nước, giảm nguy cơ thực hiện giãn cách xã hội ở phạm vi rộng song song với việc tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế – xã hội.

Mặt khác, các doanh nghiệp đã chống chọi với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong suốt một năm qua, đến nay bắt đầu có dấu hiệu trở lại hoạt động. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã quay trở lại, thể hiện qua số lượng lớn doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm 2021. Điều này đòi hỏi lượng vốn lớn từ ngân hàng, dẫn đến lãi suất cho vay nhích tăng, lãi suất huy động cũng sẽ khó đứng yên.

Trên thực tế, mặc dù số liệu về tăng trưởng tín dụng tháng 1/2021 vẫn chưa được công bố, nhưng theo tiết lộ của một số lãnh đạo ngân hàng, tín dụng đã tăng trưởng tích cực ngay từ tháng đầu năm khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi.

Thêm nữa, vị chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động neo ở mức thấp trong thời gian dài sẽ khiến dòng vốn có nguy cơ đổ vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản… Do đó, các ngân hàng cũng sẽ phải cân đối biểu lãi suất huy động để thu hút dòng vốn nhàn rỗi.

Nguồn:https://baoquocte.vn/lai-suat-ngan-hang-nao-cao-nhat-thang-32021-138014.html

Trả lời