Kinh tế Mỹ không chỉ đang phát triển mạnh mẽ mà xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2021. (Nguồn: Kyodo News) |
Phục hồi hình chữ V
Các dữ liệu cập nhật từ báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ cho thấy, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 8/2018. Báo cáo này đã giúp phủ nhận những dự đoán kém tích cực về tăng trưởng kinh tế Mỹ của một số nhà kinh tế hồi cuối năm 2020.
Ngày 26/2, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong báo cáo rằng, thu nhập cá nhân của người Mỹ đã tăng 10%, tương đương 1.950 tỷ USD. Đây là mức tăng cao thứ hai kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1959.
Thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng nhờ gói kích thích kinh tế Covid-19 được thông qua hồi tháng 12/2020 đã chuyển ngân phiếu 600 USD cho gần như toàn bộ người lao động Mỹ, đồng thời gia hạn thêm khoản trợ cấp thất nghiệp cho những người mất việc làm.
Bên cạnh đó, tổng tài sản các hộ gia đình tăng gần 2.000 tỷ USD trong tháng 1/2021, trong khi chi tiêu tăng 2,4%, tương đương 340,9 tỷ USD.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Atlanta, qua quá trình theo dõi dữ liệu trong thời gian thực để ước tính những thay đổi trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiện đang cho thấy mức tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2021 là 10%. Những con số đó, cùng với khoản tiết kiệm gần 4.000 tỷ USD của người Mỹ đang thể hiện, nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ đang phát triển mạnh mẽ mà xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong cả năm nay.
Theo chuyên gia Ed Yardeni của Yardeni Research, trong nửa đầu năm nay, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ V (có sự giảm mạnh, sau đó tăng nhanh tiến tới điểm cao nhất trước suy thoái) và có thể giữ nguyên đà phục hồi này đến cuối năm. “Sau quý I/2021, sẽ có thể bước sang giai đoạn tăng trưởng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Trước đó, các nhà kinh tế đã không kỳ vọng, nền kinh tế trị giá 21,5 nghìn tỷ USD sẽ phục hồi nhanh chóng trước những thiệt hại nặng nề liên quan đến đại dịch Covid-19 cho đến ít nhất là quý II hoặc quý III/2021, thậm chí là muộn hơn. Nhưng sự kết hợp của khả năng phục hồi có hệ thống với liều lượng kích thích tài chính “chưa từng có trong tiền lệ” đã giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
“Với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của liên bang và tiến độ về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, tăng trưởng GDP năm nay có thể là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York John Williams khẳng định.
“Nhiều điều tốt quá cũng không tốt”
Gần đây, thị trường lo ngại rằng, tăng trưởng quá nóng có thể tạo ra lạm phát, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Theo ông Yardeni: “Có quá nhiều điều tốt cũng không tốt. Nền kinh tế đang nóng lên và sẽ trở nên nóng hơn khi mất kiểm soát về tài chính và tiền tệ”.
Việc làm cũng là một nỗi lo của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 1, đã có 8,6 triệu người có việc làm mới, con số này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu đe dọa Mỹ.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm từ mức cao nhất của đại dịch là 14,8% xuống còn 6,3 nhưng việc làm trong lĩnh vực khách sạn đã giảm hơn 3,8 triệu so với một năm trước và tỷ lệ thất nghiệp trong ngành này vẫn ở mức 15,9%, cao hơn 10% so với tháng 1/2020.
Troy Ludtka, nhà kinh tế học tại Natixis cho biết, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là thị trường lao động. “Những năm tới, khi nhìn lại thời điểm này, các số liệu thống kê chính thức về những thứ đã bị đại dịch ‘cướp trắng’ như mất an ninh lương thực, nghèo đói và bất bình đẳng sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại”, nhà kinh tế Ludtka nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Ludtka vẫn tỏ ra lạc quan rằng, tin tốt là kinh tế đang phục hồi rất nhanh và đó là “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Mỹ sẽ chứng kiến một nền kinh tế khôi phục trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, cũng như tình trạng mất an ninh kinh tế đang được giảm dần.
Ngoài ra, vấn đề cần lưu ý của nền kinh tế lớn nhất thế giới là về nhu cầu. Khi các bang gỡ bỏ lệnh giãn cách, người dân sẽ đổ xô ra đường để kiếm việc, đi làm hoặc sinh hoạt thường ngày.
Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của RSM nhận thấy: “Bạn sẽ thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế vào giữa năm có thể gần 9%. Đó là tốc độ tăng trưởng đạt được nhờ các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ và sự trở lại mạnh mẽ của khu vực hộ gia đình khi được giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong thời gian dài”.
Michelle Meyer, nhà kinh tế học tại Bank of America Global Research cũng tin vào sự vững vàng của người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và tin tưởng sự vững vàng đó sẽ duy trì trong năm 2021.
“Nhân tố quan trọng nhất là phải vượt qua được đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế cũng cũng đang ở trên một nền móng chắc chắn”, nhà kinh tế Meyer nhấn mạnh.
Nguồn:https://baoquocte.vn/kinh-te-my-dang-bung-chay-138280.html