Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, mức đề xuất giảm 30% giá mua đã tính đến việc giá thành đầu tư điện mặt trời áp mái giảm.
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, từ 8,38 cent một kWh, mức giá mua điện mặt trời áp mái mới giảm còn 5,2-5,8 cent một kWh, tuỳ theo công suất lắp đặt của từng dự án, thay vì cùng một mức giá như trước. Tại họp báo Bộ Công Thương chiều 12/3, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã giải thích về cơ sở đề xuất giảm gần 30% này.
Theo ông Dũng, nhờ vào những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ, chi phí thiết bị, sản xuất điện mặt trời mái nhà, mặt đất, mặt nước đã giảm rất nhanh. Đồng thời, hiệu suất của các tấm quang điện cũng tăng nhanh thêm khoảng 3%. “Đây là cơ sở để tính toán giảm giá điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng, mức giảm 20-30% là hợp lý, đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư, người mua điện, nhà nước…”, ông nói.
Ông cũng chỉ ra thực tế ở lần giảm giá điện mặt trời từ 9,35 cent một kWh xuống còn 7,09 cent một kWh, sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng không giảm sút.
Trước đó, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo lưu ý, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng sạch, được phát triển nhằm sử dụng chủ yếu tại chỗ. Việc lắp đặt trên mái nhà cũng nhằm tận dụng hạ tầng có sẵn, vì vậy thích hợp cho các hộ dân, doanh nghiệp có quy mô không lớn.
Điện mặt trời áp mái phát triển mạnh thời gian qua, đặc biệt là nhờ mức giá quy định trong Quyết định 13. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến cuối 2020, cả nước có khoảng 106.000 dự án điện mặt trời mái nhà, công suất gần 8.000 MW. Hiện tại, khi mức giá cũ hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, Bộ Công Thương sẽ phải ban hành chính sách mới để phát triển nguồn năng lượng này.
Đối với điện mặt trời trên mặt đất và mặt nước, xu hướng chung là chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu, còn điện mặt trời mái nhà vẫn dựa theo cơ chế giá cố định.
Bộ Công Thương gần đây đã lập đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời sau khi Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh xử lý các sai phạm, nhất là trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái. Các dự án được kiểm tra từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2020. Bộ này hiện đã đề nghị các địa phương và EVN rà soát dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá FIT tại Quyết định số 13.
Nguồn: https://vnexpress.net/giam-gia-dien-mat-troi-ap-mai-van-dam-bao-loi-ich-nha-dau-tu-4247735.html