Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (281.860 ca), Brazil (36.862 ca) và Argentina (16.350 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (4.092 ca), Brazil (899 ca) và Nga (391 ca).
Như vậy, điểm nóng Ấn Độ chứng kiến số ca mắc mới giảm xuống dưới 300.000 trong 24 giờ qua, nhưng số ca tử vong mới vẫn trên ngưỡng 4.000 ca.
Mỹ đã tạm không nằm trong danh sách ba quốc gia đứng đầu về số ca mắc và tử vong trong 24 giờ qua. Nhưng xét về tổng số ca từ đầu dịch, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, với số ca tử vong đã vượt mốc 600.000 trong tổng số 33,7 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 274.411 ca tử vong trong số 24,9 triệu ca mắc. Đứng thứ ba về tổng ca mắc từ đầu dịch là Brazil với trên 15,6 triệu ca, trong đó 435.751 ca tử vong.
Số ca nhiễm trong 24 giờ qua ở Ấn Độ giảm xuống dưới 300.000 ca
Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Ấn Độ đã giảm xuống dưới ngưỡng 300.000 ca nhưng số ca tử vong vẫn trên 4.000 ca. Trong khi ngày trước đó, giới chức y tế Ấn Độ cho biết có thêm 311.170 ca mắc mới COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành, Ấn Độ đẩy mạnh xét nghiệm mà riêng ngày 15/5 đã có 1.832.950 xét nghiệm được thực hiện. Song song với đó là những nỗ lực tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, với hơn 180 triệu người được tiêm phòng kể từ khi bắt đầu chương trình vào ngày 16/1 năm nay. Từ đầu tháng này, giai đoạn tiêm phòng thứ 3 được triển khai với tất cả người trưởng thành trên 18 tuổi. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực hiện được hoặc với tốc độ chậm do tình trạng thiếu hụt vaccine.
Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn chưa áp đặt phong tỏa toàn quốc như năm ngoái trong khi nhiều bang áp đặt lệnh giới nghiêm, phong tỏa một phần vào cuối tuần hoặc phong tỏa toàn diện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Từ ngày 16/5, lệnh phong tỏa 14 ngày sẽ có hiệu lực với bang West Bengal, miền Đông nước này.
Bang Delhi và Haryana đã gia hạn thêm 1 tuần lệnh phong tỏa, vốn dự kiến kết thúc vào ngày 17/5. Bang Kerala – vốn đã thông báo gia hạn biện pháp phong tỏa trước đó, cũng đã siết chặt hơn các hạn chế ở một số huyện trong ngày 15/5, theo đó sẽ bắt giữ những ai không đeo khẩu trang tại những nơi được yêu cầu hoặc vi phạm các quy định phòng dịch. Nhà chức trách bang này cũng đã sử dụng thiết bị bay không người lái để giúp xác định người vi phạm.
Bangladesh phong tỏa toàn quốc thêm 1 tuần
Quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh cũng đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 23/5 tới.
Trước đó, nhằm khống chế dịch COVID-19, Bangladesh đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 8 ngày từ ngày 14/4-21/4, sau đó gia hạn biện pháp này đến ngày 16/5. Như vậy, đây là lần thứ 2, quốc gia Nam Á này gia hạn biện pháp phong tỏa. Bangladesh cũng đã gia hạn việc đóng cửa toàn bộ các cấp học từ trung học cơ sở trở lên.
Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 363 ca mắc và 25 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca mắc và tử vong lần lượt là 780.159 và 12.149.
Số ca mắc ở Thái Lan vượt 100.000 ca
Số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 100.000 ca khi giới chức nước này ngày 16/5 thông báo thêm 2.302 ca nhiễm mới cùng 24 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 101.447 ca nhiễm, trong đó có 589 người không qua khỏi.
Về ổ dịch trong các nhà tù, Cục Cải huấn Thái Lan tối 15/5 cho biết đã có thêm 1.219 tù nhân được phát hiện nhiễm COVID-19 tại 3 trại giam ở vùng Bangkok mở rộng. Đến nay, đã có gần 5.000 tù nhân trên toàn quốc được xác nhận nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân COVID-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc Vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa xuống còn 4 tỉnh là Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani. Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc Vùng đỏ và 56 tỉnh thuộc Vùng da cam.
Kể từ ngày 17/5, các quán ăn và nhà hàng tại 4 tỉnh thuộc Vùng đỏ sẫm sẽ được phép phục vụ ăn uống tại chỗ tới 21h với 25% tổng số ghế ngồi. Các quán ăn tại 17 tỉnh Vùng đỏ sẽ được phép hoạt động tới 23h mà không bị hạn chế về số ghế phục vụ khách, trong khi các quán ăn tại các tỉnh thuộc Vùng da cam được phép nối lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đồ uống có cồn chưa được phép được phục vụ tại tất cả các cơ sở trên toàn quốc.
Lào trừng trị nghiêm hành vi tiếp tay nhập cảnh trái phép
Bộ Y tế Lào chiều 16/5 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Sau 25 ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thủ đô Viêng Chăn của Lào vẫn ghi nhận 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, Viêng Chăn tiếp tục xuất hiện các điểm lây nhiễm mới với những ca bệnh mất dấu F0. Tuy nhiên, việc hầu hết các tỉnh, thành còn lại không ghi nhận các ca mới hoặc nếu có đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay cho thấy tình hình dịch tại Lào đang có xu hướng lắng dịu dù vẫn còn các yếu tố nguy cơ từ các ổ dịch chưa được truy vết hết và đặc biệt là từ các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Trước tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan, đang có diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền các cấp của Lào đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, trong đó không phạt các công dân Lào lao động trái phép ở nước ngoài trở về nước, tăng cường tuần tra biên giới và nghiêm trị các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc tiếp tay cho hoạt động nhập cảnh trái phép.
Mới đây, Bộ Công An Lào vừa ra quyết định tước quân tịch, đồng thời tước vĩnh viễn toàn bộ phúc lợi và chế độ của 2 sĩ quan công an ở tỉnh Savannakhet vì đã tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 16/5, đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo tình trạng người mắc COVID-19 là trẻ em và phụ nữ đang gia tăng, đồng thời cho biết bộ đang chuẩn bị nhân sự để sẵn sàng đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại Lào. Cũng theo đại diện Bộ Y tế Lào, tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nước này đang tiến triển tốt và tiêm vaccine là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch hiện nay.
Tính đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.591 ca nhiễm, trong đó có trên 1.400 ca là lây nhiễm cộng đồng và phần lớn được ghi nhận từ cuối tháng 4 đến nay.
Singapore tăng cường phòng dịch tại sân bay Changi
Nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan, giới chức sân bay Singapore thông báo Cảng hàng không Changi sẽ tách hành khách đến từ các nước có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu tiếp xúc với nhân viên và các hành khách khác. Theo đó, các chuyến bay từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được bố trí lối đi xuống máy bay riêng và hành khách trên các chuyến bay này sẽ sử dụng các khu vực nhập cảnh, băng chuyền hành lý và nhà vệ sinh riêng.
Những hành khách này cũng sẽ được giám sát chặt chẽ trong suốt thời gian di chuyển ở sân bay và họ sẽ được làm xét nghiệm COVID-19 khi đến tại các địa điểm riêng biệt. Bên cạnh đó, khoảng 8.000 nhân viên văn phòng làm việc trong các tòa nhà nhà ga hành khách của sân bay Changi sẽ được xét nghiệm COVID-19 trong vài ngày tới. Nơi làm việc của nhân viên trong các khu vực này, chẳng hạn như nhân viên nhập cư, cũng sẽ được làm vách ngăn và phân cách theo khu vực. Sẽ có các khu vực nghỉ ngơi riêng biệt cho các nhóm làm việc khác nhau và những người trong khu vực giao dịch với hành khách từ các khu vực có nguy cơ cao hơn sẽ được phục vụ ăn uống tại chỗ. Ngoài ra, tất cả nhân viên sân bay làm việc ở các vị trí có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn sẽ được xét nghiệm 7 ngày một lần, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào, thay vì 14 ngày hiện nay.
CAAS cũng cho biết gần 10.000 người làm việc tại sân bay đã được xét nghiệm kể từ ngày 9/5. Trong số này, 35 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và không ai trong số họ ở trong tình trạng nghiêm trọng. Đến nay, khoảng 90% nhân viên hàng không tuyến đầu đã được tiêm chủng.
Sân bay Changi đã trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất của Singapore, với 68 ca mắc tính đến hết ngày 15/5. Nước này có 12 ổ dịch khác, trong đó có các ổ dịch lớn liên quan đến bệnh viện Tan Tock Seng và Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Saudi Arabia bỏ yêu cầu cách ly với du khách đã tiêm chủng
Saudi Arabia ngày 16/5 thông báo rằng du khách nước ngoài nhập cảnh qua đường hàng không từ hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ không cần phải cách ly ở nước này nếu đã được tiêm chủng vaccine COVID-19. Tuy nhiên, thông báo cũng cho hay du khách đến từ hơn 20 nước, gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ bị cấm nhập cảnh vào Saudi Arabia theo các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo cơ quan quản lý hàng không dân sự (GACA), từ ngày 20/5, những người nhập cảnh bằng đường hàng không mà không phải công dân Saudi Arabia, nếu đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh, sẽ không cần phải cách ly 7 ngày tại các khách sạn đã dược chính phủ chấp nhận nếu xuất trình được chứng nhận đã tiêm chủng trước khi đến.
Trước khi có quy định mới, mọi du khách nhập cảnh Saudi Arabia sẽ cần phải cách ly trong khoảng thời gian từ 7-14 ngày, tùy thuộc vào điểm xuất phát và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Saudi Arabia thông báo công dân nước này bị cấm đến 13 quốc gia, qua các đường bay trực tiếp hoặc gián tiếp, mà không được phép của của nhà chức trách do nguy cơ về COVID-19. Những nước này gồm Libya, Syria, Liban, Yemen, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Belarus, và Ấn Độ.
CDC Mỹ khuyến nghị tiếp tục đeo khẩu trang ở trường học
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã ban hành một hướng dẫn mới, trong đó khuyến nghị các trường học ở nước này tiếp tục thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang cho năm học 2020-2021 do không phải tất cả học sinh đều được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Theo khuyến nghị mới nhất của CDC Mỹ, tất cả các trường từ mẫu giáo đến trung học nên thực hiện các chiến lược phòng dịch COVID-19 đồng thời ưu tiên áp dụng quy định đeo khẩu trang và giãn cách. Cơ quan trên nêu rõ giáo viên và học sinh cần đeo khẩu trang mọi lúc trong khuôn viên trường học và trên xe buýt, đồng thời duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Hướng dẫn trên được đưa ra sau khi CDC Mỹ ngày 13/5 thông báo những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài cũng như không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần được giải đáp xung quanh hướng dẫn này như cách thức triển khai hay định nghĩa thế nào là tiêm phòng đầy đủ. Hiện nhiều bang tại Mỹ đang bắt đầu dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
CDC Mỹ nới lỏng quy định đeo khẩu trang trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tiêm chủng và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Dữ liệu của CDC Mỹ cho thấy đã có 58,9% số người trưởng thành ở nước này được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, trong khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 45%. Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng. Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép tiêm cho thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi tại Mỹ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/dien-bien-covid19-toi-6h-sang-175my-vuot-600000-ca-tu-vong-an-do-van-tren-4000-nguoi-chet24-gio-20210516221509393.htm