Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

THAM LUẬN

Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 

Vũ Quyết Tiến – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận sẽ là những trụ cột để tạo nên sức mạnh kinh tế cho quốc gia và doanh nghiệp cũng chính là động lực phục hồi quan trọng trước những tác động tới đời sống kinh tế – xã hội, nhất là trước ảnh hưởng toàn cầu của dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra.

Tại tỉnh Quảng Ninh, doanh nghiệp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, được xác định là một động lực ngày càng quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh; trong đó kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư phát triển. Cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, những năm qua Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, chương trình hành động và đặc biệt chú trọng xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhằm góp phần định hướng phát triển bền vững, như: Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 03/6/2011 về thực hiện Kết luận số của trung ương được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, từ tỉnh tới các địa phương định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn để thông báo tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp…, qua đó phổ biến các chủ đơn vị kinh tế tư nhân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, đã tổ chức tốt các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh…

 

– Năm 2001, toàn tỉnh có 177 tổ chức cơ sở đảng trong các thành phần kinh tế và 1.250 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó doanh nghiệp Nhà nước là 160 tổ chức cơ sở đảng chiếm 90,4% và 1.219 chi bộ trực thuộc chiếm 97,52%, các thành phần kinh tế khác (doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…) là 17 tổ chức cơ sở đảng chiếm 9,6% và 31 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở chiếm 2,48%; số lượng đảng viên trong các thành phần kinh tế là 17.293 đảng viên, trong đó doanh nghiệp Nhà nước 16.704 đảng viên chiếm 96,6%, trong các thành phần kinh tế khác là 589 đảng viên, chiếm 3,4%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 22.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, tuy nhiên tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức đảng còn thấp (6,5%). Việc tạo nguồn, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn khó khăn, tỷ lệ đảng viên so với tổng công nhân lao động còn khiêm tốn (chiếm khoảng 1,5%). Đảng viên trong các tổ chức đảng phần đông là cán bộ công chức chuyển ra làm ngoài hoặc các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, một phần nhỏ là chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp vào đảng; số đảng viên được kết nạp vào đảng chủ yếu là trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước hoặc một số doanh nghiệp tư nhân đã có tổ chức đảng. Mặt khác, đa số doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể. Việc phát triển đảng viên còn gặp nhiều khó khăn do người lao động không có động cơ vào đảng, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo nguồn Đảng viên. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động của các đoàn thể hầu hết còn phụ thuộc vào ý thức của chủ doanh nghiệp. Công tác cán bộ do hội đồng quản trị hoặc chủ đơn vị kinh tế tư nhân quyết định; đồng thời, việc bổ nhiệm cán bộ đối với họ không nhất thiết phải là đảng viên. Ngoài ra, chưa có cơ chế để chủ các đơn vị kinh tế tư nhân khuyến khích, động viên người lao động vào Đảng.

 

Một hạn chế nữa trong công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp là việc theo dõi tình hình về công tác xây dựng đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp còn thiếu cán bộ chuyên trách nên việc nắm bắt thông tin còn chậm, chưa thường xuyên.

Vừa qua, trong công tác xây dựng Đảng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định một nhiệm vụ quan trọng là:Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước; củng cố tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp sau cổ phần hóa, các khu vực biên giới, hải đảo, nông thôn khó khăn; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Than Quảng Ninh, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Thời gian tới Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và hiện tỉnh đang chỉ đạo xây dựng đề án “xây dựng, phát triển mô hình tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, đề án “Thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh” và nghiên cứu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Đảng ủy Than Quảng Ninh cho phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Từ thực tiễn của Quảng Ninh, để phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở trong các doanh nghiệp, cá nhân tôi đề xuất quan tâm một số giải pháp sau:

  1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và người lao động về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Vận động thanh niên, người lao động để họ nhận thấy vào Đảng là nhu cầu tự nhân, phù hợp với mong muốn phát triển của cá nhân và của chính doanh nghiệp.
  2. Nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tham mưu, giúp việc; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân; coi đây là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng và là tiêu chí thi đua đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách và lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan Đảng theo dõi chi bộ, quan tâm đến các chi bộ tại doanh nghiệp. Hằng tháng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách và cán bộ theo dõi đến dự sinh hoạt chi bộ để chỉ đạo chi bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao đồng thời giúp chi bộ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ; thực hiện kiện toàn bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, hoàn thiện quy trình, các bước sinh hoạt chi bộ.

  1. 3. Tiếp tục quan tâm công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quy định, quy chế hoạt động phù hợp với thực tế, thể chế hóa ngày càng rõ hơn vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó nghiên cứu hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước có số lượng công nhân lớn và không trong cùng một địa bàn, như Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam hoặc các doanh nghiệp ngành điện, nước… tránh hiện tượng công tác đảng không gắn liền công tác cán bộ, không lãnh đạo các đoàn thể dẫn đến thực hiện không đúng Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 13/02/2017 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối”.

Xây dựng quy chế làm việc và quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, trong đó, quy định rõ việc tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động, việc phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp. Từ đó, tạo động lực để người lao động phấn đấu vào Đảng thông qua chế độ chính sách, tạo cơ hội cống hiến, cơ hội học tập, thăng tiến…

  1. 4. Các các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng cảm tình đảng: Thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, làm cơ sở lập kế hoạch phát triển đoàn viên, tổ chức đoàn thể; tiếp xúc nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, vận động chủ doanh nghiệp ủng hộ và tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Quan tâm tạo nguồn kết nạp đảng viên là cán bộ trong bộ máy quản lý và ban chấp hành các đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân, các đoàn viên, công nhân giữ các chức vụ lãnh đạo trong các phân xưởng, đội, nhóm.

Giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên, tổ chức Đảng cấp dưới, ban thường vụ các đoàn thể chính trị – xã hội địa phương đảm nhận việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, đoàn viên, hội viên giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Công đoàn, Đoàn thanh niên thông qua hoạt động để lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục đoàn viên hội viên giới thiệu cho Đảng.

  1. Thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp:

Cấp ủy đảng tiến hành rà soát khi có đủ từ 3 người lao động là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên nhưng đang sinh hoạt ở nơi khác, tiến hành chuyển số đảng viên đó về tổ chức đảng cấp trên cơ sở, phối hợp với doanh nghiệp làm các thủ tục thành lập tổ chức. Doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 người lao động là đảng viên chính thức, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở, quyết định lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên của tổ chức đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp; chi bộ ghép có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng viên ở doanh nghiệp, khi có đủ 3 người lao động là đảng viên chính thức làm việc cùng doanh nghiệp, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp.

  1. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng phù hợp và thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đề nghị nghiên cứu ban hành hướng dẫn sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy phù hợp đối với các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp (khối sản xuất của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước) theo hướng đầy đủ, ngắn gọn và có thể từ xa, trực tiếp…
  2. Đề nghị nghiên cứu ban hành chính sách tổng thể đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trong xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên như các chính sách về kinh tế để làm đòn bẩy (chính sách thuế, hỗ trợ vốn vay, khen thưởng khi có tổ chức đảng đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tục trở lên…). Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp.
  3. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao vai trò cầm quyền của Đảng trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Khắc phục tình trạng cơ sở trong cơ sở, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng theo ngành, lĩnh vực, tại những nơi đặc thù và nhất là loại hình doanh nghiệp theo hướng chuyển các tổ chức đảng trong doanh nghiệp có nhiều công nhân, lao động, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, tài nguyên, môi trường, an ninh, trật tự thì chuyển về trực thuộc đảng bộ địa phương.

Trên đây là một số trao đổi về xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí.

 

Trả lời