“Ngay cả khi mức độ nguy hiểm của Omicron tương đương hoặc thậm chí thấp hơn biến thể Delta, dự kiến số ca nhập viện sẽ tăng lên nếu nhiều người nhiễm virus hơn, đồng thời sẽ có khoảng thời gian trễ giữa tỷ lệ nhiễm tăng và tỷ lệ tử vong tăng”, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay có đoạn.
Biến chủng Omicron, lần đầu được báo cáo ở phía nam châu Phi vào cuối tháng trước, đã được WHO xếp vào danh sách đáng lo ngại. Biến chủng này có khoảng 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.
Xu hướng ca nhiễm tăng nhanh đã được ghi nhận ở Nam Phi, Eswatini, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Lesotho trong những ngày gần đây. Cơ quan Liên Hợp Quốc cho rằng sự lan rộng của Omicron, cùng với tỷ lệ xét nghiệm tăng và tỷ lệ tiêm chủng thấp là các yếu tố dẫn tới số ca nhiễm được báo cáo tăng mạnh.
WHO nhấn mạnh cần có thêm dữ liệu để đánh giá độc lực học, khả năng tránh né vaccine của Omicron và hiệu quả của vaccine trước biến chủng này, bao gồm việc sử dụng liều tăng cường.
Trong khi đó, công ty Pfizer và đối tác BioNTech hôm nay công bố kết quả nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể trung hòa ở những người tiêm hai liều vaccine Pfizer giảm 25 lần trước biến chủng Omicron so với phiên bản nCoV gốc. Điều đó cho thấy hai liều Pfizer có thể không đủ để bảo vệ con người trước chủng Omicron dù vẫn có thể ngăn ngừa bệnh nặng.
Tuy nhiên, với những người tiêm liều thứ ba, lượng kháng thể tăng 25 lần, tương đương mức độ mà hai liều Pfizer tạo ra để chống lại phiên bản nCoV gốc và các biến thể khác. Kết quả nghiên cứu này chưa được bình duyệt.