Agribank góp phần đẩy lùi tín dụng đen tại nông thôn
Agribank triển khai nhiều giải pháp giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận vốn vay, từ đó góp phần hạn chế hoạt động tín dụng đen.
Với dân số hơn 98 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, trong đó khoảng 50 triệu người ở độ tuổi lao động, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng đối với loại hình dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Trong 5 năm trở lại đây, Agribank luôn là một trong những ngân hàng có tổng mức cấp tín dụng cho nền kinh tế lớn nhất.
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng
Hiện nay, Agribank cung cấp hơn 200 sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, trong đó có 48 sản phẩm cấp tín dụng, 39 sản phẩm huy động vốn, 18 sản phẩm thanh toán trong nước, 35 sản phẩm thanh toán quốc tế, 22 sản phẩm E-banking… Các sản phẩm này đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân.
Đến 30/11, dư nợ nền kinh tế của Agribank đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, 70% là dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn. Tỷ lệ này được duy trì trong nhiều năm qua. Dư nợ đối với khách hàng cá nhân đạt trên 870.000 tỷ đồng, chiếm 70,8% dư nợ nền kinh tế, tăng 32.000 tỷ đồng; tỷ lệ tăng 3,9% so với đầu năm.
Trong giai đoạn 2017-2019, bình quân mỗi năm dư nợ cho vay cá nhân của Agribank tăng trưởng hơn 100.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 10%. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ cho vay cá nhân chỉ tăng trưởng hơn 56.000 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 7,1%).
Số lượng khách hàng cá nhân vay vốn luôn chiếm 99% tổng số khách vay vốn (trên 3 triệu khách hàng). Đặc biệt, dư nợ cho quy mô nhỏ dưới 200 triệu đồng đạt khoảng 355.000 tỷ đồng với hơn 2,1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 42% tổng dư nợ cho vay cá nhân. Chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng luôn được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.
Trong 10 tháng đầu năm, doanh số giải ngân cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 990.000 tỷ đồng với hơn 3 triệu khách hàng. Bình quân hàng năm, Agribank giải ngân cho vay khách hàng cá nhân số tiền hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay tiêu dùng là hơn 330.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% doanh số giải ngân cho vay của ngân hàng.
Để đạt được những kết quả trên, Agribank đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ số, giúp khách hàng thuận tiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cải tiến quy trình thủ tục tín dụng. Ngân hàng đã triển khai thành công đề án điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng tới 405 xã tại 62 tỉnh thành. Mỗi điểm giao dịch lưu động đều có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ như giải ngân, thu nợ, chuyển tiền,… và phục vụ hơn 1,7 triệu lượt khách hàng tính đến nay.
Ngân hàng lưu động của Agribank giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Đẩy mạnh cho vay, góp phần hạn chế tín dụng đen
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Agribank tích cực cung ứng vốn cho địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và các chương trình tín dụng khác của Chính phủ. Ngoài ra, ngân hàng còn tích cực triển khai nhiều biện pháp cụ thể để tăng khả năng tiếp cận vốn vay đối với người dân vùng sâu, vùng xa.
Nhiều giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen được triển khai mạnh mẽ, đơn cử là gói tín dụng tiêu dùng quy mô hơn 5.000 tỷ đồng với thủ tục xét duyệt đơn giản hóa. Đến 31/10, doanh số cho vay lũy kế đạt trên 45.000 tỷ đồng (gấp 9 lần quy mô ban đầu). Đã có 600.000 lượt khách được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Agribank luôn nỗ lực mang đến nhiều giải pháp tài chính cho khách hàng tại địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, nhận thấy những khó khăn thời dịch của người dân, đặc biệt ở khu vực thành thị, từ ngày 25/6, Agribank tiếp tục dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất ưu đãi. Chương trình áp dụng ở khu vực đô thị, thị trấn, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Sau hơn 4 tháng triển khai, doanh số giải ngân đã đạt trên 1.500 tỷ đồng với gần 2.000 khách hàng được tiếp cận vốn vay.
Để phát huy các kết quả đã đạt được, Agribank tiếp tục đổi mới phương thức cho vay bằng cách ứng dụng công nghệ mới. Ngân hàng tích cực cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, hoàn thiện quản lý bộ hồ sơ cho vay. Ngoài ra, ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn.