Vốn luôn là vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong hai năm qua dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: du lịch, dịch vụ, vận tải, các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chính sách đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên việc hấp thụ chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời. Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tính kết nối, gắn kết giữa thực tiễn với chính sách.
Đồng thời, việc tác động và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để ban hành chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh và sự vận động của kinh tế- xã hội trong kỷ nguyên số rất nhanh và rất linh hoạt.
Quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi tới đây. Đơn cử như vấn đề thủ tục hành chính, các quy định về xác định mức độ dịch với các vùng đỏ, vùng xanh, vùng cam, biện pháp quy định cách ly của các địa phương ảnh hưởng rất lớn tới lưu thông hàng hóa và dịch chuyển lao động.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, vốn luôn luôn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện bình thường tiếp cận vốn đã khó khăn, trong thời kỳ dịch bệnh, khó khăn này lại tăng cao nhiều lần: Doanh nghiệp không có lãi, thậm chí lỗ, dòng tiền không ổn định, không hoàn trả khoản vay đúng hạn bị hạ mức tín nhiệm, thậm chí có nợ xấu là vào danh sách đặc biệt.
“Không phải tự nhiên mà các tổ chức tín dụng e ngại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng ở đây chúng ta nói về những điều tích cực, đó là hiểu đúng, chia sẻ và tin cậy với các doanh nghiệp phát triển bền vững, các doanh nghiệp có tiềm năng, các doanh nghiệp đang mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ”, bà Hường nói.
Cùng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, trong 2 năm qua, ngân hàng đã đồng hành và chia lửa rất tích cực với doanh nghiệp, điều này đã được Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước khẳng định. Tuy nhiên, những hỗ trợ đó vẫn chưa đủ vì lãi suất đã hạ nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn còn khó.
Lý giải cho việc này PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, các quy định hiện hành của ngân hàng chỉ phù hợp với các tình huống thông thường. Đối với các tình huống “bất bình thường” thì chưa phù hợp. Đồng thời PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần có cách tiếp cận bài bản hơn, không chung chung, để các ngân hàng không bị “mắc tội”.
Cần khơi thông dòng chảy về vốn
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Nguyễn Thị Bích Hường mong muốn, mỗi ngân hàng cần xây dựng một chính sách đặc biệt để chăm sóc cho các doanh nghiệp đang là khách hàng của mình, điều kiện là doanh nghiệp có phát sinh doanh thu trong hai năm qua, mặc dù có thể giảm sút so với năm 2019, doanh nghiệp không có nợ xấu, hoặc các doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành nghề đang có cơ hội hồi phục tốt như du lịch, dịch vụ. “Mặc dù nghị quyết 43 vừa qua của Quốc hội với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng có nói về vấn đề hạ lãi suất đến 2%, nhưng với các doanh nghiệp, việc hạ lãi suất không có giá trị bằng việc kéo dài thời hạn vay”, bà Hường nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nêu ý kiến, cần khơi thông dòng chảy về vốn. Theo ông Việt, vốn ngoại là một nguồn “vô tận”, phải khơi được nguồn vốn này, khi đó cả doanh nghiệp, Nhà nước và ngân hàng đều được lợi. Nếu có đội ngũ tư vấn thanh toán quốc tế chuyên nghiệp thì tức khắc khơi thông được vốn ngoại. “Ngân hàng sẽ “mở toang” cho các doanh nghiệp, từ chốt nhỏ sẽ mở toang cánh cửa lớn”, ông Nguyễn Tuấn Việt chia sẻ.
Tổng Giám đốc Công ty Hoa Lan Nguyễn Thị Đông kiến nghị, Nhà nước cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số để các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới.
Kết luận tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), TS Tô Hoài Nam khẳng định, diễn đàn hôm nay đã có các bài tham luận của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, chia sẻ những góc nhìn, những điểm sáng, những tư duy, hành động đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp, đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nam mong muốn, trong thời gian tới các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và ngược lại, tiếp thu những ý kiến đóng góp và những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội.