Quốc hội yêu cầu Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền xử lý các tồn tại do ảnh hưởng của quy hoạch treo, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.
Chiều 16/6, với 95% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Chính phủ được yêu cầu khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội…
Quốc hội yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và tỉnh; quy định các loại sơ đồ, bản đồ kèm theo hồ sơ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành được xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn để lập quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh mà đến thời điểm nghị quyết này có hiệu lực chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đảm bảo công khai, chất lượng, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quy hoạch.
Quốc hội giao Chính phủ hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở đảm bảo chất lượng.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Do tiến độ lập quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh các quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020.
Nghị quyết có hiệu lực từ 16/6/2022.
Viết Tuân