Gây tranh cãi liên tục từ khi công bố dự án, Em và Trịnh vẫn tiếp tục là cái tên “nóng” với khán giả yêu điện ảnh Việt Nam sau 2 tuần ra mắt. Sức nóng này đến nhiều từ sự phản đối của người xem với cách xây dựng câu chuyện và các diễn viên vào vai Trịnh Công Sơn hay những nàng thơ của ông.
Nhìn vào hiệu quả phòng vé, Em và Trịnh không hề thất bại. Theo boxoffice Việt Nam, phim đã đạt 65 tỉ tính đến 20/6, có lãi so với kinh phí 50 tỉ. Trong bối cảnh phim Việt lần lượt thất thu, lỗ hàng chục tỉ, doanh số của Em và Trịnh được coi là thành công. Thuộc thể loại phim tiểu sử “khó nhằn” và bị chê bai nhiều nhưng vẫn có lãi, liệu Em và Trịnh có thể mở ra xu hướng làm phim tiểu sử ở Việt Nam?
“Em và Trịnh” đang là phim Việt hiếm hoi có lãi thời gian này.
Bên cạnh sức hút từ chuyện phim, phim tiểu sử có thể thu hút bộ phận người xem vốn quan tâm đến nhân vật, tạo đề tài sôi nổi vì có nguyên mẫu nổi tiếng, có tầm vóc, đạt được thành công to lớn và có sức ảnh hưởng tích cực đến xã hội ít nhất ở một mặt nào đó, có thể là các nghệ sĩ, chính khách, nhà hoạt động xã hội… Một phim tiểu sử sắp ra mắt là Elvis (2022) kể về cuộc đời huyền thoại âm nhạc Elvis Presley. Rất nhiều phim tiểu sử được đánh giá cao và thu về nhiều giải thưởng. Ví dụ như Bản danh sách của Schindler (Schindler’s list – 1994) kể về Olkar Schindler, một doanh nhân Đức đã cứu giúp rất nhiều người Do Thái; Sói già phố Wall (The wolf of Wall street – 2013) kể về Jordan Belfort – một cựu môi giới chứng khoán hay Giờ tăm tối nhất (Darkest hour – 2017), bộ phim về Wiston Churchill trong thế chiến thứ II. Cần phân biệt rõ giữa phim tiểu sử và những phim mà một số người nổi tiếng tự làm về cuộc đời mình. Ví dụ Vòng eo 56 của Ngọc Trinh không được gọi là phim tiểu sử.
“Sói già phố Wall” là một phim tiểu sử thành công về doanh thu. Phim do Leonardo DiCaprio đóng chính, có doanh thu gần 400 triệu đô
“Vòng eo 56” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng kể về cuộc đời Ngọc Trinh không thể gọi là phim tiểu sử. Chỉ có thể coi đây là phim tự sự.
Thử thách lớn nhất của thể loại này nằm ở chính khán giả, ở ấn tượng của họ về người nổi tiếng trong phim tiểu sử đó.
Nếu kể về một nhân vật được sáng tạo ra, trước khi phim ra rạp, câu chuyện đó chỉ có người làm phim biết và hiểu rõ. Nhưng kể về một người nổi tiếng, thì từ trước khi phim ra rạp đã có rất nhiều người biết đến câu chuyện đó rồi. Mỗi người sẽ có một hình dung, một kỳ vọng trong đầu. Vậy phải làm sao để bộ phim gần với sự tưởng tượng của khán giả? Hoặc nó phải hay và thuyết phục đến nỗi mọi người đều công nhận dù khác xa kỳ vọng của họ.
Ai sẽ là người hóa thân vào nhân vật đó? Khác với nhân vật được tạo ra trên giấy, nhân vật trong phim tiểu sử được dựng nên từ người thật, với khuôn mặt, vóc dáng và thần thái đặc trưng. Tìm hai người giống hệt nhau là điều không thể. Rất dễ gặp tình trạng người diễn tốt thì ngoại hình hoàn toàn khác biệt, người có ngoại hình tương tự lại không biết diễn. Bắt chước một người có thật luôn là thử thách lớn cho mọi diễn viên. Học cách đi đứng, nói chuyện, tác phong, bắt chước giọng nói, thói quen từ một khuôn mẫu, giảm cân hoặc tăng cân… là những điều cơ bản diễn viên đóng phim tiểu sử phải trải qua. Trong Em và Trịnh, hai diễn viên và vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ (Avin Lu) và lúc trung niên (NSƯT Trần Lực) đều không nhận được sự công nhận từ số đông khán giả.
Bên cạnh nhân vật chính, nhân vật phụ trong phim tiểu sử thường là những người có thực. Nhà làm phim sẽ cần đủ hiểu biết, tinh tế và chú ý để tái hiện những người này lên màn ảnh. Nếu không, từ những con người có thực, có cá tính riêng, họ sẽ bị bóp méo thành ai đó khác cùng tên với tính cách hoàn toàn khác, để phục vụ câu chuyện và nhân vật chính.
“Em và Trịnh” bị đánh giá là thất bại trong việc thể hiện thần thái của Trịnh Công Sơn, chỉ vẽ được bề nổi chứ không có được cái hồn của cố nhạc sĩ.
Rồi người làm phim phải kể câu chuyện nào, định hướng ra sao? Một đời người có vô số câu chuyện. Với những người nổi tiếng, cuộc đời họ thường rất thăng trầm, nhiều biến cố. Đó là chất liệu cho điện ảnh, nhưng cũng đặt ra câu hỏi cho người làm phim: Phải chọn kể điều gì? Ngoài việc cần kể đúng sự thật và kể hay, phim tiểu sử cũng hay vấp phải tranh cãi về hình tượng. Một người nổi tiếng thường là người được yêu quý, khán giả tò mò về câu chuyện cuộc đời họ nhưng sẽ rất khó chấp nhận nếu họ bị xây dựng theo hướng “phá hỏng hình tượng”. Nhiều khán giả sau khi xem Em và Trịnh nhận định rằng nhà làm phim đang phá hủy hình ảnh của cố nhạc sĩ. Ví dụ trong phim, Trịnh đã theo chân Bích Diễm về nhà ngay lần đầu gặp mặt. Đang say nắng nàng thơ này, Trịnh lại ngơ ngẩn mất hồn trước khoảnh khắc Dao Ánh xuất hiện. Nhiều người cho rằng cách xử lý này rất thiếu tinh tế. Nó dễ dàng tạo cảm giác Trịnh quen với việc bám đuôi người đẹp, hời hợt, dễ yêu dễ xiêu lòng trước mọi cô gái đẹp.
Sau Em và Trịnh, có một số ứng viên cho vị trí phim tiểu sử tiếp theo của Việt Nam ra rạp. Năm 2016, First News Trí Việt công bố dự án làm phim tiểu sử về Ái Vân, dựa trên cuốn tự truyện Để gió cuốn đi của chính nữ danh ca. Từ đó đến nay đã 6 năm trôi qua, vẫn chưa có cập nhật gì thêm về bộ phim. Có thể thấy rằng việc chọn diễn viên vào vai Ái Vân cũng như chồng cũ của bà, NSND Trần Bình là một thử thách khổng lồ.
Cuối năm 2021, tác giả Larry Berman thông báo cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của ông, viết về tướng tình báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn sẽ được lên phim điện ảnh. Ông cho biết đã ký hợp đồng với hãng BHD, người phụ trách dự án này là đạo diễn Charlie Nguyễn. Đạo diễn của Em chưa 18, Để mai tính… thận trọng xác nhận dự án chỉ mới bắt đầu, cần nhiều thời gian chuẩn bị trước khi đi vào sản xuất.
Phim về nữ danh ca Ái Vân hoặc tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn có thể là những phim tiểu sử của Việt Nam tiếp theo sẽ ra rạp. Cả hai dự án đều được triển khai từ sách.
Với một nền điện ảnh còn non trẻ như Việt Nam, làm phim tiểu sử là một sự dũng cảm. Sẽ cần nhiều hơn các nhà làm phim dám khai thác dòng phim này cũng như sự nhìn nhận đa chiều, cởi mở hơn từ khán giả. Sẽ còn một chặng đường rất dài để phim tiểu sử ở Việt Nam trở phổ biến hơn. Trong tương lai gần, một vài phim tiểu sử có thể thành hiện tượng nhưng rất khó để tạo nên trào lưu xu hướng trong làng điện ảnh Việt Nam.