Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Tất Thắng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng cũng đặt nhiệm vụ trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường ở Việt Nam. Để thực hiện chủ trương trên, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp đã được nghe các báo cáo khoa học liên quan đến nhận thức, cách tiếp cận về bản chất, mô hình KTTH; những kinh nghiệm về phát triển KTTH trên thế giới và gợi mở đối với Việt Nam; thực trạng và những vẫn đề đặt ra về phát triển KTTH ở Việt Nam; ứng dụng các giải pháp phát triển mô hình KTTH tại một số khu vực, xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế trên thế giới và Việt Nam; ứng dụng cách tiếp cận Tầm nhìn chiến lược (foresight) trong hoạch định chính sách thúc đẩy mô hình KTTH tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất định hướng phát triển, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy và phát triển KTTH hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, để xây dựng và thực thi có hiệu quả Kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các chế định pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển KTTH trong thể chế chung về phát triển nhanh – bền vững đất nước, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái. Đặc biệt là cơ chế, chính sách liên kết giữa các chủ thể, các khâu, các chuỗi, các yếu tố theo yêu cầu phát triển KTTH, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính – tín dụng, thuế, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao.
Từ xu hướng chung về phát triển KTTH trên thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, cần xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển KTTH chung của cả nước, của từng lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể. Trên cơ sở đó, các ngành, lĩnh vực, các địa phương, doanh nghiệp cần phải xây dựng được kế hoạch định hướng, lộ trình phát triển KTTH của mình. Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển KTTH.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Quốc Toản – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Tư vấn Công nghệ và Đào tạo toàn cầu cho biết: Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu là rất hữu ích cho việc xây dựng cơ chế, chính sách. Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, tổng hợp và trình lên Bộ TN&MT và các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, phát triển KTTH là vấn đề rộng lớn, phức tạp, đa diện, đa cấp độ, mang tính dài hạn, cần được nghiên cứu sâu hơn, hệ thống hơn cả về lý luận và thực tiễn. Ông Toản hy vọng và tin rằng rằng các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTH, triển khai có hiệu quả các mô hình mới.
Nguồn: Báo tài nguyên và môi trường