Lưu ý khi dùng phối hợp thuốc hạ đường huyết cho người đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 đang là một bệnh lý phổ biến hiện nay và có xu hướng gia tăng. Nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Tại sao bệnh đái tháo đường type 2 cần điều trị sớm?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 như: Tiền sử gia đình có người mắc, thừa cân béo phì, chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh… Do vậy, khi can thiệp bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học và vận động thể lực… thì sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh.

Theo TS.BS. Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc BV Nội tiết TW, khi đã được chẩn đoán ĐTĐ type 2, cần điều trị sớm để giúp loại trừ các triệu chứng của tăng đường huyết. Khi kiểm soát đường huyết tốt, luôn giữ mức đường huyết ở vùng an toàn sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng cấp tính (tình trạng lợi niệu thẩm thấu gây đi tiểu nhiều và tiểu đêm, khát nước và nhìn mờ…) và biến chứng nặng (hôn mê tăng áp lực thẩm thấu và hôn mê nhiễm ceton acid)…

Lưu ý  dùng phối hợp thuốc hạ đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 - Ảnh 1.

Mục tiêu điều trị đái tháo đường là đưa đường huyết về chỉ số an toàn, tránh các biến chứng.

Ngoài ra, kiểm soát tốt đường huyết sớm còn ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn biến của các biến chứng mạn tính, bao gồm: Biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, biến chứng thận, biến chứng mắt…

2. Điều trị đái tháo đường thế nào?

ĐTĐ là bệnh đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể dùng thuốc, kết hợp với chế độ vận động, ăn khoa học phù hợp… để kiểm soát bệnh. Mục tiêu điều trị là kiểm soát đường huyết tốt, luôn giữ mức đường huyết ở vùng an toàn.

Trước đây, khi bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ type 2 thường chỉ ăn kiêng và tập thể dục và được dùng thuốc khi chỉ số HbA1c trên ngưỡng 7,7%. HbA1c là một trong những chỉ số xét nghiệm rất quan trọng, nó phản ánh tình trạng glucose máu trong 3 tháng vừa qua của với bệnh nhân ĐTĐ đã được kiểm soát tốt hay chưa. Trên cơ sở đó giúp bác sĩ điều trị có kế hoạch điều trị kịp thời.

Bình thường HbA1c là 4-6%. Chỉ số HbA1c cao khi tăng trên bình thường 1%. Khi HbA1c > 6,5% chứng tỏ đang kiểm soát đường huyết kém. Khi HbA1c < 6.5% cho thấy đang kiểm soát đường huyết tốt.

Hiện nay, qua nhiều nghiên cứu và thực tế lâm sàng cho thấy, việc dùng thuốc viên kiểm soát đường huyết khi HbA1c trên ngưỡng 7,7% là chậm trễ và kiểm soát đường huyết còn tệ hơn nếu bệnh nhân được chuyển từ thuốc viên sang insulin khi HbA1c quanh ngưỡng 9,4%.

Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong điều trị trước đây là khuyến cáo thường khởi đầu với đơn trị liệu và tăng dần đến liều tối đa trước khi phối hợp một loại thuốc khác.

Chẳng hạn khi dùng thuốc metformin đến 1500mg/ngày, hiệu quả giảm HbA1c đã đạt đến mức gần tối đa. Nếu tiếp tục tăng liều lên 3000mg/ngày thì hiệu quả giảm HbA1c chỉ tăng không nhiều, trong khi tác dụng phụ trên đường tiêu hóa tăng đáng kể. Do đó trong thực hành lâm sàng, thường dừng lại ở liều đạt hiệu quả giảm đường huyết tối ưu mà gây ra ít tác dụng phụ nhất.

Do đó, đến nay sau các nghiên cứu trên diện rộng và thực tế lâm sàng, các nhà chuyên môn đã đi đến phương hướng điều trị phối hợp thuốc sớm mang lại nhiều lợi ích.

Trong báo cáo tại Hội nghị khoa học thường niên của BV Nội tiết TW mới đây, TS.BS Phan Hướng Dương cho biết: Điều trị sớm từ lúc chẩn đoán, giúp kiểm soát tốt đường huyết, giảm các biến chứng của bệnh. Trong đó, phối hợp thuốc điều trị sớm mang lại nhiều lợi ích lớn như:

– Sử dụng liều từng thuốc thấp hơn: Phối hợp thuốc sớm cho phép sử dụng mỗi thuốc với liều thấp hơn liều tối đa, giúp giảm thiểu tác dụng phụ, đặc biệt là làm giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của metformin.

– Kiểm soát đường huyết nhanh hơn, lâu dài hơn: Phối hợp thuốc làm giảm HbA1c hiệu quả hơn so với đơn trị liệu, đồng thời tránh được sự chậm trễ lâm sàng của đơn trị liệu khi bác sĩ phải mất thời gian để tăng liều dần đến mức tối đa mà HbA1c vẫn ở mức cao.

– Làm giảm tình trạng ngộ độc đường của tế bào beta, làm giảm khả năng ổn định và cải thiện chức năng của tế bào beta, qua đó làm chậm tiến triển của bệnh đến giai đoạn cần tiêm insulin.

– Giảm gánh nặng chi phí điều trị: Do phối hợp liều cố định cũng giúp cải thiện sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và đơn giản hóa quá trình quản lý bệnh ĐTĐ type 2.

– Phối hợp thuốc với cơ chế tác động bổ sung phù hợp hơn cho bệnh ĐTĐ type 2, hợp lý hơn so với việc đơn thuần tăng liều một thuốc đơn trị liệu đến mức tối đa.

3. Lưu ý các thuốc phối hợp khi điều trị đái tháo đường type 2

Chiến lược phối hợp 2 thuốc có rất nhiều chọn lựa, nhưng phải tùy theo từng bệnh nhân cụ thể để có lựa chọn phù hợp.

Theo TS.BS Phan Hướng Dương, trong các phối hợp thuốc, thì sitagliptin + metformin nên là điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ type 2 mới được chẩn đoán. Đây là 2 thuốc đầu tiên trong kiểu phối hợp gliptin và metformin được lưu hành trên thị trường. Dùng liều cố định phối hợp 2 thuốc này cho hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt hơn, tỉ lệ đạt mục tiêu HbA1c nhiều hơn đáng kể khi chỉ dùng đơn trị metformin.

Việc đạt được các hiệu quả này là do sitagliptin và metformin có cơ chế bổ sung cho nhau giúp cải thiện kiểm soát đường huyết đáng kể. Trong các nghiên cứu, việc dùng phối hợp thuốc được tiếp tục kéo dài đến 104 tuần và mức HbA1c vẫn được duy trì ổn định.

Lưu ý  dùng phối hợp thuốc hạ đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 - Ảnh 3.

Phối hợp thuốc điều trị đái tháo đường type 2 mang lại hiệu quả và giảm tác dụng phụ của thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân không thể dùng insulin, có thể điều trị bằng thuốc viên kết hợp sitagliptin và metformin vẫn đạt hiệu quả giảm đường huyết tốt.

Các tác dụng phụ của metformin khi dùng đơn trị liệu như đau bụng, tiêu chảy cũng thấp hơn rõ rệt. Các tác dụng phụ khi phối hợp 2 thuốc này tương đương so với việc dùng đơn lẻ từng thuốc.

Ngoài ra còn có các phối hợp thuốc khác như:

– Phối hợp metformin và sulfonylureas/thiazolidinedione/đồng vận thụ thể GLP-1 được cho là có hiệu quả giảm HbA1c mạnh.

– Phối hợp metformin + insulin có hiệu quả cao nhất do không có giới hạn liều của insulin.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ sự phối hợp thuốc nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu.

– Phối hợp sulfonylurea + metformin; glitazone + metformin: Các bằng chứng lâm sàng cho thấy, các dạng phối hợp này có hiệu quả giảm đường huyết nhanh chóng, nhưng lại làm gia tăng đáng kể các nguy cơ tác dụng ngoại ý như hạ đường huyết, tăng cân…

– Phối hợp acarbose + metformin: Dù không ảnh hưởng trên cân nặng và cũng không gây hạ đường huyết, tuy nhiên có nhiều bệnh nhân gặp các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Thu Hà

Nguồn tin: Phối hợp thuốc điều trị đái tháo đường type 2 (suckhoedoisong.vn)

Trả lời