PGS. TS. Trần Thành Nam, (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, giáo viên cần chuyển việc học tập từ thứ tự cứng nhắc sang học tập dựa trên vấn đề và trao quyền cho người học tự do khám phá. Cần dạy học sinh phương pháp “câu cá” chứ không phải chỉ cho con cá…
Giáo dục phục hồi sau đại dịch Covid-19
Ông nghĩ gì về giáo dục nước ta trong một năm vừa qua?
Giáo dục năm 2022 đã diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn và thách thức đan xen. Khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động giáo dục đã hồi phục trở lại.
Chúng ta đã có nhiều hoạt động giúp học sinh, sinh viên cả nước thích ứng và quay trở lại trường học thuận lợi. Từ đó, giải tỏa áp lực tâm lý của phụ huynh và học sinh, tạo điều kiện để học sinh được bồi dưỡng, củng cố kiến thức và rèn luyện phát triển toàn diện tại nhà trường.
Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kịp thời ban hành kế hoạch số 353/KH-BGDĐT ngày 29/3/2022 Kế hoạch tổng thể của ngành thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới.
Để đón học sinh trở lại trường an toàn, ngành Giáo dục cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Phối hợp tuyên truyền chống dịch Covid-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh” nhằm quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Đồng thời, kết nối chặt chẽ với gia đình quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Ngành giáo dục cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để ổn định đội ngũ và tránh thiếu hụt, “đứt gãy” nguồn giáo viên có kinh nghiệm.
Chúng ta đã tiếp tục triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thẩm định và phê duyệt Chương trình giáo dục tích hợp, danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10; phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3. Thẩm định sách giáo khoa và tài liệu hướng dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2.
Hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa chuẩn bị triển khai năm học 2022-2023. Đồng thời, ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục theo hướng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.
Trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic và gặt hái nhiều thành tựu tốt. Trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 được công bố cuối tháng 4/2022, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Có 38/38 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải, trong đó có 13 Huy chương Vàng.
Cũng trong năm qua, rất nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức và xu hướng 35% thí sinh trúng tuyển đại học nhưng quyết định không xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống cho thấy nhiều học sinh đã ý thức đến những con đường thành công nghề nghiệp khác nhau chứ không nhất thiết phải học đại học.
Bên cạnh những thành tích, ngành giáo dục vẫn có nhiều điểm khiến công chúng quan ngại như những vấn đề liên quan đến giá sách giáo khoa và thông tin điều tra lợi ích nhóm trong vụ việc này. Những băn khoăn về tính công bằng giữa các phương thức xét tuyển đại học.
Học phí đại học tăng sốc ở nhiều trường hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần, những hành vi bạo lực gây hấn diễn ra ở trường học, thậm chí là hành vi tự gây hại, tự tử có xu hướng tăng khi học sinh trở lại trường.
Nhiều chương trình hành động
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, theo ông, khủng hoảng sức khỏe tâm thần, trầm cảm đối với trẻ có phải là điều đáng báo động? Đã có những chương trình hành động gì để gỡ rối cho thực trạng này hay chưa?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo,sau giai đoạn khủng hoảng Covid-19 sẽ đến khủng hoảng về sức khỏe tâm thần. Các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần đã tăng lên so với trước khi đại dịch diễn ra từ 20-30%. Đặc biệt, nhóm dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe tâm thần lại là nhóm học sinh trong độ tuổi từ 11-17. Điều này xảy ra ở trên quy mô toàn cầu chứ không chỉ ở nước ta.
Việt Nam cũng đã ý thức được vấn đề này. Chúng ta đã và đang tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021) nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.
Ngành giáo dục cũng đã xây dựng nhiều tài liệu hướng dẫn Tham vấn học đường; biên soạn Sổ tay Tư vấn tâm lý học đường và tiến hành tập huấn cho giáo viên cốt cán ở 63 tỉnh, thành.
Không chỉ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ trên môi trường thực, trong năm vừa qua, chúng ta cũng đã có nhiều thành tựu trong bảo vệ trẻ sống an toàn và lạnh mạnh trên môi trường mạng. Quyết định số 830/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” được triển khai bước đầu đã xây dựng được hành lang pháp lý bảo vệ trẻ, giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng số.
Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu và năng lực thực thi pháp luật. Đề án đã có sự chung tay của cả 4 bộ, ngành gồm Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội chủ trì xây dựng chính sách số về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ.
Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trang bị bộ “kỹ năng số” cho các em. Bộ Công An phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ trên không gian mạng còn Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thúc đẩy truyền thông về bảo vệ trẻ em, thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ trên không gian mạng.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã cho ra đời nhiều bộ tài liệu trang bị “vaccine số” cho người trẻ sống an toàn trên không gian mạng.
Để tránh những áp lực tinh thần cho người học và cả giáo viên, việc học ở trường cần chuyển trọng tâm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học có chất lượng”. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Cần truyền cảm hứng cho người học
Giáo dục phải trang bị kiến thức, kỹ năng gì để cá nhân sống và hội nhập trong thế kỷ XXI?
Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới được gọi là “VUCA”, đặc trưng bởi tính biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Để thích ứng và hội nhập trong một thế giới như vậy, chúng ta cũng cần có năng lực “VUCA” (viết tắt bởi các chữ Vission – Tầm nhìn xa về xu hướng tương lai; Understanding – Hiểu biết sâu sắc về bản chất vấn đề; Clarity – Rõ ràng về mục tiêu chiến lược và Agility – Sự nhanh nhẹn để thích ứng).
Gần đây, mọi người hay nhắc tới về 4 chữ C khi nói về việc chuẩn bị gì cho cuộc sống và công việc. Đó là, Tư duy phản biện, Sáng tạo, Giao tiếp và Hợp tác (Critical thinking, Creativity, Communication, and Collaboration).
4 chữ C cũng liên quan đến những cách người học cần học, giao tiếp, sáng tạo và hợp tác để tương tác với các phương tiện kỹ thuật số mới. Ngoài ra, 4 chữ C này cũng là một tổng thể liên quan với nhau. Ví dụ, kỹ năng giao tiếp là một khía cạnh quan trọng của sự hợp tác, tư duy phản biện là cần thiết để giao tiếp hiệu quả.
Ngoài 4 chữ C, chúng ta cũng nói nhiều về bộ kỹ năng chuyển đổi để thích ứng và thành công trong thế kỷ XXI. Cụ thể, năng lực công dân toàn cầu (sử dụng thành thạo ngôn ngữ và ngoại ngữ để làm việc, sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số để nâng cao chất lượng làm việc), kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, tự tạo động lực và quản lý bản thân, kỹ năng lắng nghe thấu cảm, kỹ năng viết ấn tượng.
Ngoài ra, còn có kỹ năng giao tiếp bằng lời thuyết phục, kỹ năng nghiên cứu và phân tích, kỹ năng làm việc với các con số, kỹ năng phát triển bản thân.
Để thành công trong kỷ nguyên số theo nghĩa thích ứng nhanh với thế giới nghề nghiệp, hạnh phúc với công việc của mình và thực hiện khát vọng Việt Nam phồn vinh, hùng cường, người học không chỉ cần trí thông minh (IQ) mà quan trọng hơn cần cả trí thông minh cảm xúc (EQ), trí thông minh văn hóa (Cultural Inteligence), cùng các phẩm chất như kiên trì, thấu cảm và tinh thần cống hiến…
Theo ông, năm 2023, giáo dục phải hướng đến điều gì để mang lại hạnh phúc cho học sinh?
Sống trong một thế giới bất định và không chắc chắn, giáo dục phải trang bị cho người học ý thức trách nhiệm về việc học tập suốt đời. Không chỉ người học mà giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường, phụ huynh và cộng đồng cũng cần được coi như người học, là đối tượng góp phần giáo dục một đứa trẻ.
Môi trường học tập ngày càng được cá nhân hóa hơn để hỗ trợ và thúc đẩy từng người học nuôi dưỡng đam mê của mình, tạo kết nối giữa các cơ hội và trải nghiệm học tập khác nhau, đồng thời thiết kế các dự án và quy trình học tập của riêng các em với sự cộng tác của những người khác.
Để tránh những áp lực tinh thần cho người học và cả giáo viên thì việc học ở trường cần chuyển trọng tâm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học có chất lượng” và phải có thêm những nội dung chất lượng cao nếu học sinh muốn hiểu sâu hơn vấn đề.
Giáo viên với tư cách là người hỗ trợ học tập, vừa có hiểu biết về chủ đề, lại có kỹ năng hơn trong việc sử dụng công nghệ, hướng dẫn người học tìm hiểu và giải quyết vấn đề, khám phá và tạo ra những hiểu biết mới. Trong tương lai, phương pháp hiệu quả của giáo viên sẽ là dạy kèm thông minh (intelligent tutoring).
Giáo viên sẽ thu thập những dữ liệu về câu trả lời của học sinh (hàng trăm hoặc thậm chí hàng triệu người học tương tự khác), sau đó xây dựng các mô hình phân tích về các mẫu câu trả lời. Suy ra lỗi cơ bản của người học rồi cung cấp một hướng dẫn điều chỉnh hoặc can thiệp để giúp khắc phục lỗi đó với sự trợ giúp của công nghệ và AI. Nói một cách khác, dạy học sinh phương pháp “câu cá” chứ không phải chỉ cho một con cá.
Để những giờ giảng trở nên thú vị, chúng ta cần chuyển việc học tập theo thứ tự cứng nhắc (hoàn toàn dựa vào giáo trình, sách giáo khoa) sang học tập dựa trên vấn đề. Đồng thời, trao quyền cho người học tự do khám phá những gì quan trọng với họ với sự hỗ trợ của công nghệ và mạng internet.
Không những dạy cho học sinh cách “câu cá” mà trước hết, cần truyền cho người học cảm hứng muốn “bắt cá” đã. Nếu không thì có nhìn thấy cá và biết cách bắt cá, chưa chắc các em đã hành động.
Cuối cùng, tất cả các bên liên quan đều phải được giáo dục về hạnh phúc, phải được giáo dục nâng cao nhận thức về tổn thương sức khỏe tâm thần. Phải hình thành được thói quen vệ sinh sức khỏe tâm thần hằng ngày, biết nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương, biết cách ứng xử không kỳ thị với những người bị tổn thương sức khỏe tâm thần.
Cùng với đó, biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ khoa học và phù hợp từ những dịch vụ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Xin cảm ơn ông!