Chủ trương của Đảng và khát vọng của nhân dân

Từ “Cương lĩnh chính trị” đầu tiên năm 1930 đến các văn kiện tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII cho thấy tôn chỉ, mục đích hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam luôn hòa cùng khát vọng của nhân dân, của dân tộc.

Chủ trương của Đảng và khát vọng của nhân dân
TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, các giá trị và mục tiêu cách mạng đúng đắn do Đảng đề ra đã chạm đến tâm can và lay động lòng người.

“Sách lược vắn tắt” được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, diễn ra từ ngày 6/1/1930 đến tuần đầu tháng 2/1930 khẳng định: Đảng cộng sản (ĐCS) Việt Nam là Đảng của giai cấp vô sản.

Nếu nhìn từ thực tế hình thành, phát triển và bản chất của các Đảng chính trị ở các nước tư bản cho đến thời điểm đó và với tư cách là đội tiên phong của một giai cấp xã hội, thì đấu tranh để bảo vệ cho lợi ích giai cấp sẽ là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, với giai cấp công nhân thì các mục tiêu đó sẽ là: bảo đảm quyền lao động, tăng lương, giảm giờ làm, tăng phúc lợi xã hội…

Tuy nhiên, “Chánh cương vắn tắt” lại xác định sứ mệnh chính trị của ĐCS Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi các lợi ích của giai cấp Công nhân. Thay vào đó, ĐCS Việt Nam hướng đến giành lại các quyền và bảo vệ lợi ích cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội, đặc biệt là giai cấp nông dân vốn chiếm đa số trong cơ cấu dân số thời kỳ đó và cả dân tộc. Điều này được thể hiện qua chủ trương chiến lược mà ĐCS Việt Nam đề ra ngay từ những ngày đầu thành lập: thực hiện “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

“Chánh cương vắn tắt” cũng đã nêu bật các giá trị và mục tiêu then chốt, đáp ứng đúng nhu cầu, mong đợi, khát vọng của đại đa số các lực lượng trong xã hội, bao gồm: độc lập cho dân tộc, tự do và bình đẳng cho nhân dân, thu hồi tài sản trong tay giới chủ thực dân và phong kiến để trả lại cho nhân dân, đặc biệt là ruộng đất cho dân nghèo, bãi bỏ sưu, thuế, giảm giờ làm cho người lao động.

Các giá trị và mục tiêu cách mạng đúng đắn do Đảng đề ra đã chạm đến tâm can và lay động lòng người, trở thành ngọn cờ có sức tập hợp sự ủng hộ chính trị rộng lớn trong xã hội, dẫn đến sự thành công của cách mạng tháng 8/1945.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, sự nghiệp cách mạng để giành lại độc lập, tự do mới chỉ thực hiện được trên miền Bắc. Thống nhất đất nước không chỉ là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng, mà quan trọng hơn là khát vọng cháy bỏng và chính đáng của nhân dân cả hai miền.

Vì thế, Đại hội Đảng lần thứ III vào năm 1960 đã xác định “thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước” là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta. Sự khẳng định rõ ràng mục tiêu cách mạng đã có tác dụng tập hợp sự ủng hộ của nhân dân hai miền đất nước và bạn bè quốc tế, tạo cơ sở vững chắc cho thành công thống nhất đất nước vào năm 1975.

Từ năm 1975 đến năm 1985, đất nước rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Bên cạnh những yếu tố khách quan, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) chỉ ra những nguyên nhân chủ quan: “Chúng ta có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội… Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện”.

Đại hội VI đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm, trong đó “lấy dân làm gốc, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân” là bài học số 1. Cũng từ đó, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là điểm tựa cho tiến trình đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, hướng đến thịnh vượng.

Nhờ đáp ứng đúng mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một “câu chuyện thành công” được quốc tế ghi nhận.

Bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, vị thế mới của đất nước cũng gắn liền với những thách thức mới. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra một sứ mệnh chính trị mới cho ĐCS Việt Nam: đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành “nước phát triển và có thu nhập cao”.

Để gia nhập nhóm các nước phát triển vào năm 2045, chúng ta phải đạt được GDP bình quân đầu người tối thiểu từ 12.000 – 15.000 USD/năm; chỉ số phát triển con người (HDI) phải vượt 0,8. Bởi thế, khát vọng Việt Nam 2045 là một thách thức lãnh đạo rất lớn với ĐCS Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện thực hóa được khát vọng về một nước Việt Nam phát triển sau hơn hai thập kỷ tới chính là thực hiện được niềm mong mỏi của nhân dân, thể hiện trong thư của Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945: đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Nhìn suốt chiều dài 93 năm lãnh đạo cách mạng và phát triển đất nước thì có thể thấy nhờ theo đuổi những giá trị phổ quát, đáp ứng đúng mong đợi của nhân dân mà ĐCS Việt Nam đã có thể thu hút được sự ủng hộ chính trị của nhiều lực lượng trong xã hội. Sự hòa quyện, gắn kết chặt chẽ giữa sứ mệnh chính trị, chủ trương chiến lược, tầm nhìn lãnh đạo của Đảng với khát vọng của số đông người dân đã tạo ra sự khác biệt cho ĐCS Việt Nam, phân biệt ĐCS Việt Nam với các Đảng chính trị ở các nước tư bản.

Có thể nói, những mục tiêu chính trị mà ĐCS Việt Nam tuyên bố và theo đuổi từ năm 1930 đến nay đã khẳng định Đảng đại diện cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc Việt Nam.

ĐCS Việt Nam theo đuổi những giá trị, những lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Kiên định và nhất quán sự đồng hành cùng với khát vọng của nhân dân, lợi ích của dân tộc chính là cơ sở cho vị thế và vai trò lãnh đạo vững chắc của Đảng, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nguồn tin: Chủ trương của Đảng và khát vọng của nhân dân (baoquocte.vn)

Trả lời