Trước ‘cơn sốt’ ChatGPT, thầy cô đánh giá học trò thế nào?

Thay vì lo ngại sức ảnh hưởng rồi tìm cách kìm hãm sự phát triển của ChatGPT, người thầy cần hiểu thế mạnh đích thực của mình, tăng giáo dục lòng tự trọng cho học trò.

ChatGPT tạo cơn sốt, thầy cô có khó đánh giá học trò?
ChatGPT tạo cơn sốt, thầy cô có khó đánh giá học trò?

Tháng 11/2022, công ty công nghệ Open AI (Mỹ) đã phát hành phần mềm ChatGPT- một công cụ Chatbot “biết tuốt” mọi thứ.

Hình dung một cách đơn giản, nó là sự kết hợp tính năng thông minh nhất của Alexa (phần mềm trợ lý ảo phát triển bởi Amazon) và Siri (trợ lý trong hệ điều hành của Apple).

“Bạn cung cấp cho ChatGPT đầu vào và phần mềm sẽ cung cấp đầu ra cho bạn. Nếu bạn hỏi ChatGPT một câu hỏi, nó sẽ trả lời. Nếu bạn yêu cầu nó tiếp tục những gì bạn đang viết, nó sẽ thực hiện”, theo nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Andy Patel.

Ví dụ, khi ChatGPT được yêu cầu lập dàn ý cho một bài tiểu luận về lạm phát và kinh tế vĩ mô, nó sẽ đưa ra các ý gạch đầu dòng ngay lập tức. Bởi vậy, ChatGPT cực kỳ hấp dẫn đối với sinh viên.

Tại Việt Nam, ChatGPT đang thu hút sự chú ý và tạo nên cơn sốt chưa từng thấy với giới trẻ khi gây ấn tượng về khả năng bắt chước cách viết như soạn thảo sơ yếu lý lịch, làm thơ và hoàn thành bài tập về nhà chỉ trong vài giây…

Khả năng đưa ra đáp án của ứng dụng này khiến rất nhiều người quan ngại. Riêng với ngành giáo dục, nhiều người đặt ra băn khoăn khi những bài luận được giao, người học hay thí sinh hoàn toàn có thể nhờ vào ứng dụng này để làm. Một số đặt câu hỏi liệu vai trò, vị thế của người thầy sẽ giảm sút trong thời gian tới.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng sự tiến bộ của công nghệ là xu hướng tất yếu. “Chúng ta cần phải thừa nhận với nhau như vậy. Còn nếu chúng ta kìm hãm sự tiến bộ là một xu hướng rất lạc hậu. Vấn đề cần suy nghĩ là chúng ta sử dụng chúng như thế nào”.

Theo ông Minh, trong giáo dục hay dạy học, không phải chỉ thuần túy dạy kiến thức, mà điều quan trọng là tìm ra khả năng để phát triển năng lực của mỗi người. Điều mà các loại công nghệ, ứng dụng khó có thể thay thế.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Trong giáo dục, tính ‘người’ là rất cao. Do đó, tôi nghĩ không điều gì thay thế được vai trò của người thầy. Vì vậy, chúng ta không nên quan ngại mà cần khuyến khích việc sử dụng các ứng dụng công nghệ một cách đúng đắn, nhân văn. Đó mới là điều cần thiết. Chứ không nên bảo các học trò đừng dùng mạng và các ứng dụng công nghệ. Giáo dục các em cách dùng văn minh mới là điều quan trọng”.

Ông Minh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần giáo dục, bồi đắp giá trị về lòng tự trọng, tính trung thực cho mỗi người. “Việc này rất khó, phải bền bỉ, thường xuyên và phải liên tục làm sao cho mỗi người thấy rằng việc làm đó là không chính đáng. Chỉ có như vậy, mới giúp hạn chế được những tiêu cực xảy ra”, ông Minh nói.

“Còn đối với các giáo viên, giảng viên, nếu chỉ phụ thuộc vào những ứng dụng đó, tôi nghĩ rằng đến lúc chính các sinh viên, học sinh sẽ tẩy chay. Bởi không khơi dậy được niềm hứng khởi, thích thú trong việc học và tìm hiểu kiến thức. Cũng như việc, cùng một môn học, cùng một kiến thức, nhưng với thầy cô này thì người học say sưa, nhưng với thầy cô khác, các em có thể lại gục đầu ngủ”, GS. Minh chia sẻ.

Về vấn đề đánh giá người học, theo ông Minh, những gì con người tạo ra thì con người có thể điều khiển và làm dịch chuyển được.

Ông Minh nhấn mạnh: “Trong quá trình đánh giá người học, khi ứng dụng này ra đời, chắc chắn sẽ phải có những hàng rào kỹ thuật mới ra đời. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thầy cô cần tìm ra những ý toát lên được nội hàm mà mình muốn đánh giá thay vì những câu trả lời chung”.

Nguồn tin: Trước “cơn sốt” ChatGPT, thầy cô đánh giá học trò thế nào? (baoquocte.vn)

Trả lời