Ẩm thực Hà thành: Thổn thức với những món quà mộc mạc, dân dã

Nhắc đến Hà Nội, không thể không nói đến ẩm thực. Nơi đây đã ghi dấu ấn trong lòng bao du khách bởi những món ăn dân dã nhưng mang hương vị độc đáo, đặc trưng của đất kinh kỳ.

Sự độc đáo, tinh tế của người Hà thành được trao gửi vào những món ăn, đưa chúng trở thành nét đẹp rất riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Có thể kể tới rất nhiều những đặc sản nức tiếng gần xa như bún chả, nem rán, bánh cuốn Thanh Trì, bún thang, bánh tôm Hồ Tây, cốm Làng Vòng… Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ muốn nhắc đến những thức quà thanh đạm của người Hà Nội, như cháo đậu, bánh đúc…

Chuyện thủ đô: Hương vị mùa Hè hii
Cháo đậu cà – thức quà thanh đạm của Hà Nội. (Ảnh: Minh Hạnh)

Thức quà thanh đạm

Cuối tháng Bảy, tiết trời giữa độ Hè oi bức, khẩu vị của người Hà Nội đâm ra khó tính hơn hẳn. Cái nóng nực khiến con người luôn cảm thấy bí bách. Ấy thế mà bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân” chốn nghìn năm văn hiến vẫn đem được hương đồng cỏ nội vào bên trong những thức quà mát lành, vừa để chiều lòng cư dân Hà Thành vốn sành ăn lại kỹ tính mà cũng để đẹp lòng khách phương xa.

Lúc này mới thấy, chẳng có gì dễ chiều lòng người hơn bát cháo đậu cà thanh đạm, món quà hay được bán ở các gánh hàng ven đường. Món cháo ấy thoạt trông không có gì đặc biệt, nguyên liệu đơn giản mà cách làm cũng chẳng lấy gì làm cầu kỳ. Thế nhưng sao khi ăn nó lại “hợp giọng” lạ lùng đến thế.

Đậu xanh hoặc đậu đen đem nấu cùng gạo, cháo vừa bùi vừa sánh lại cứ dẻo quẹo đi, tưởng như “chưa đến môi đã trôi đến cổ”. Hai thứ đậu đều có tính mát, có công năng thanh nhiệt giải độc, xưa nay vẫn thường được dùng trong Đông y.

Húp một hớp cháo, nhai nhè nhẹ miếng đậu rán tẩm hành hoa thơm nức, sậm sựt thêm quả cà muối trong miệng, tự nhiên thấy việc ăn uống giữa trời đổ lửa vừa nhẹ tênh, mượt mà vừa có cái thú riêng của nó. Ai thích đổi vị thì dùng thêm ca la thầu (củ cải muối khô) hay quả trứng muối tùy ý, tất thảy đều thơm ngon và hài hòa cả.

Nếu ai thấy món cháo có phần “êm đềm” quá, đã có hàng bánh đúc nộm sẵn sàng yêu chiều thực khách. Cũng là bánh đúc, nhưng bánh đúc nộm có phần nhẹ bụng và đỡ nhanh ngán hơn món bánh đúc chấm tương.

Miếng bánh đúc mềm dẻo như thạch, cắt sợi vừa ăn, thấm đẫm trong thứ nước nộm ngầy ngậy vị lạc vừng. Bát nộm mát, cái mát “hiền lành” của giá chần giòn ngọt, của đĩa rau sống mươn mướt với hoa chuối thái mỏng, rau thơm, ngổ, kinh giới, tía tô, thơm cái thơm phức của vừng rang, chua cay cái vị quen thuộc của chanh, ớt.

Đành rằng quà ngon thì ngon thật đấy, nhưng không phải người nào cũng chịu “la cà” hàng quán, nhất là trong thời tiết bức bối như dạo này. Vậy thì, chỉ có bát nước rau muống luộc dầm sấu là đưa cơm số một.

Luộc một mớ rau muống, dầm thêm hai ba quả sấu, thế là có ngay một đĩa rau xanh mướt kèm một bát nước luộc chan cơm. Nước rau muống luộc chẳng phải tinh hoa ẩm thực gì, nhưng cái vị chua thanh mát của sấu đã nâng tầm bát nước trong veo kia, khiến ta không khỏi yêu thêm thiên nhiên Hà Nội.

Mùa Hè đến cũng là lúc mùa sấu về. Mà chẳng ở địa phương nào khác ta tìm được sấu ngon như Hà Nội. Người dân Hà Thành xa quê mới hiểu mấy cân sấu được người nhà đóng gói gửi cho nó đáng quý biết chừng nào, tình thương của người gửi gửi gắm biết bao nhiêu. Chấm ngọn rau muống luộc vào bát nước mắm dầm sấu mà lòng bồi hồi nhớ quê biết mấy.

Ẩm thực Hà Thành: Thổn thức với những thức quà mộc mạc, dân dã
Bát tào phớ mềm mướt rất được thực khách từ mọi độ tuổi yêu thích. (Ảnh: Minh Hạnh)

Thổn thức với quà ngọt

Bàn về quà mặn rồi thì sao có thể thiếu thức ngọt cho được. Trên con đường gắt gỏng của nắng Hạ, ta vẫn thấy những cô cậu học trò tíu tít rủ nhau sà vào hàng tào phớ. Món quà vặt có đắt đỏ gì đâu, chỉ quanh quẩn tầm 10-15 nghìn đồng một bát. Thế mà ăn một miếng, ta thấy cả người khỏe ra, nhẹ bẫng, mọi cái bí bách nóng nực như tan đi.

Điều quan trọng làm nên bát tào phớ ngon, bên cạnh ủ phớ sao cho mềm, cho mịn, chính là pha nước đường thật khéo. Cốt sao nước đường ngọt dịu, thanh mát, thơm mùi hoa nhài thì hàng đó không lo vắng khách, chưa cần bàn đến những món “hiện đại” như caramen hay trân châu ăn kèm.

Nếu như những cô cậu học trò “kết” món tào phớ thì các thực khách đứng tuổi hơn có lẽ sẽ ưa các món chè truyền thống. Để nói về công năng thanh nhiệt thì chẳng có món chè nào hơn chè hạt sen. Món này nấu được quanh năm, nhưng phải đợi đúng vào giữa mùa Hè, khi nhân sen đã già đến độ thì ăn mới ngon, mới bùi.

Hạt sen ninh vừa đủ chín, vẫn còn nguyên hạt nhưng khi đặt vào miệng đã tan ngay trên lưỡi. Nước chè không ngọt sắc mà ngọt dịu dàng lại thơm ngan ngát.

Thế mới nói, Hà Nội không níu giữ bước chân du khách bởi những khu phố sầm uất, không làm thổn thức nỗi lòng những người con xa quê vì ánh đèn lung linh chốn đô thị xa hoa, không làm xiêu lòng người dân nơi đây với những khu vui chơi nhộn nhịp. Chính những thứ giản dị, mộc mạc như những thức quà của một nền ẩm thực nghìn năm tuổi đã làm nên một nét đẹp hoài cổ, trang nhã của Thủ đô.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng nhận định: “Hà Nội là nơi bốn phương hội tụ, lại giao lưu với cả nước ngoài cho nên đã tiếp thu nhiều tinh túy của mọi miền, cả văn minh tinh thần lẫn vật chất, trong đó có nghệ thuật ẩm thực”.

Cuộc sống càng hiện đại, con người luôn sáng tạo ra những món ăn ngon, hợp với khẩu vị hơn nhưng những món ăn đặc trưng, rất riêng của Hà Nội chắc chắn sẽ luôn là sự lựa chọn không thể bỏ qua đối với người dân Hà thành và du khách khi đặt chân đến mảnh đất này. Nhớ đến Hà Nội, nhớ đến những món ăn mộc mạc, giản dị…

Nguồn tin:Ẩm thực Hà thành: Thổn thức với những món quà mộc mạc, dân dã (baoquocte.vn)

Trả lời