Hiện nay với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư đông đúc tại Hà Nội dẫn tới tình trạng môi trường ngày càng ô nhiễm và khó kiểm soát. Vì vậy xu hướng sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện, bảo vệ môi trường (giao thông xanh) được coi là giải pháp hữu ích nhằm giảm thiểu ô nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân Thủ Đô.
Được biết, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người, gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Vì vậy, rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.
Các bạn trẻ hào hứng sử dụng xe đạp công cộng để luyện tập sức khỏe và bảo vệ môi trường |
Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén,… Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió,…chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực, đẩy nhanh phát triển giao thông xanh. Có thể kể đến như việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt; thực hiện rà soát các phương tiện xe cá nhân phát thải cao; đưa xe buýt điện vào vận hành. Gần đây nhất, mô hình xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Chỉ với chi phí 5.000 đồng cho một lần thuê xe 30 phút, người dân và du khách đã có phương tiện di chuyển để ngắm phố phường tại Thủ đô.
Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại là có thể sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng |
Xe đạp công cộng Hà Nội nằm trong dự án “Xe đạp đô thị” được UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông Vận tải và Tập đoàn Trí Nam thực hiện, với mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách, thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị.
Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án chính thức đi vào hoạt động và sẽ thực hiện thí điểm 1 năm; ở giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư khoảng 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại 80 – 100 điểm vị trí dừng đỗ tại các quận nội đô.
Các trạm xe đạp công cộng được bố trí thuận lợi tại công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng |
Đầu tiên, người thuê cần tải ứng dụng TN Go trên điện thoại thông minh và đăng ký mở tài khoản. Sau đó cần kết nối với ví điện tử Momo, Zalopay,… và nạp tiền vào ví. Giá thuê sẽ là 5.000 đồng/30 phút đối với xe đạp truyền thống, 10.000 đồng/30 phút xe đạp điện.
Kết thúc hành trình trong vòng 30 phút, người thuê sẽ thanh toán 6.000 đồng, trong đó có 5.000 đồng phí thuê xe và 1.000 đồng phí bảo hiểm. Trong quá trình đi xe, người thuê có thể trả xe ở bất cứ điểm đỗ xe nào mà khách hàng muốn.
Trên thực tế, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp – loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Được biết, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mô hình giao thông xanh vào đời sống như: Hà Lan, Trung Quốc, Anh, Pháp. Trong đó, Hà Lan khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay cho các loại xe cơ giới, TP. Quảng Châu (Trung Quốc) cấm hoàn toàn xe máy, thay vào đó người dân sẽ sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển. Các quốc gia như: Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản đã xây dựng nhiều điểm cho thuê xe đạp với giá hợp lý để khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng ô tô cá nhân. Tại Pháp, chính phủ đã đưa ra nhiều phương án kích thích người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng song song với phát triển hệ thống xe đạp điện.
Không chỉ ở nhiều nước trên thế giới mà tại các đô thị của Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng. Nhất là khi các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã và đang hình thành tuyến đường sắt đô thị, rất cần loại hình kết nối như xe đạp phát triển song hành.
Việc phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe đạp đến thời điểm này là cần thiết đối với Hà Nội, qua đó góp phần từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay. Đây cũng là một giải pháp giúp giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi thải ra từ các phương tiện cá nhân, phát huy thế mạnh của hệ thống giao thông công cộng Thủ đô, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Nguồn tin: Hà Nội: Phát triển giao thông xanh thúc đẩy bảo vệ môi trường (suckhoemoitruong.com.vn)