Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Mở ra nhiều triển vọng hợp tác
Được biết, một đoàn gồm gần 100 người đại diện các bộ, ngành kinh tế chủ chốt và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ Saudi Arabia sẽ đến tìm hiểu thị trường Việt Nam từ ngày 11-13/9. Đại sứ có thể giới thiệu chi tiết về đoàn doanh nghiệp, ý nghĩa, mục đích chuyến thăm, các hoạt động quan trọng điểm nhấn của đoàn tại Việt Nam?
Đầu tiên, tôi xin cảm ơn Báo Thế giới và Việt Nam đã thực hiện cuộc phỏng vấn này. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới lãnh đạo và nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhân dịp Quốc khánh Việt Nam lần thứ 78, chúc lãnh đạo và nhân dân Việt Nam ngày càng tiến bộ và thịnh vượng. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hết sức nỗ lực thúc đẩy chuyến thăm này.
Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia đến Việt Nam lần này được coi là một trong những đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Saudi Arabia, bao gồm đại diện nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực khai thác mỏ, bán lẻ, dệt may và dịch vụ, cũng như đại diện một số cơ quan chính phủ của Saudi Arabia.
Chuyến thăm diễn ra khi quan hệ song phương giữa hai quốc gia có nhiều xung lực to lớn để phát triển. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2022. Đồng thời, hai nước cũng phối hợp, hợp tác hết sức hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương.
Saudi Arabia là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20 năm 2022, với mức tăng trưởng chung đạt 8,7%. Tương tự, GDP Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 tỷ USD, tiếp tục nằm trong top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Đại sứ Saudi Arabia Mohammed Ismaeil A. Dahlwy trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TG&VN. (Ảnh: Thu Thanh) |
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chuyến thăm quan trọng này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại giữa Saudi Arabia – Việt Nam, và mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai nước.
Dự kiến, đoàn Doanh nghiệp sẽ gặp gỡ một số quan chức, lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam, trong đó có các quan chức Bộ Ngoại giao và đông đảo các công ty, doanh nhân Việt Nam. Đoàn cũng sẽ đến thăm và làm việc với một số tỉnh thành và doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Theo Đại sứ, việc một đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay do Phòng Thương mại Công nghiệp Riyadh tổ chức có mặt tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào? Các doanh nghiệp Saudi Arabia nhìn thấy tiềm năng nào ở Việt Nam để thúc đẩy hợp tác?
Được thành lập vào năm 1961, Phòng Thương mại Công nghiệp Riyadh, cũng như tất cả các phòng thương mại khác của Saudi Arabia, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi thương mại giữa Vương quốc và các quốc gia khác. Các cơ quan này cũng góp phần thúc đẩy phát triển đất nước và hiện thức hóa các mục tiêu trong Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia.
Trong khuôn khổ Tầm nhìn 2030, Saudi Arabia nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác và mở cửa với các thị trường và đầu tư toàn cầu. Gần đây, Saudi Arabia đã ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
Saudi Arabia luôn quan tâm, mong muốn phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Chúng tôi đã lên kế hoạch và sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nước ASEAN và các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Riyadh vào tháng 10 tới. Đây là một bước tiến quan trọng, cần thiết và sẽ mở đường cho sự hợp tác, liên kết sâu sắc hơn giữa hai khối vốn đóng vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Saudi Arabia và Việt Nam chưa tương xứng với mối quan hệ gắn bó và tiềm năng to lớn của cả hai quốc gia.
Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy. (Ảnh: Thu Thanh) |
Tôi tin tưởng rằng giữa hai bên còn nhiều cơ hội chưa được khám phá và những chuyến thăm như thế này của các đoàn doanh nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào việc thúc đẩy hợp tác và tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Thành công của Việt Nam trong việc thu hút được một lượng lớn đầu tư từ các nước châu Á và từ nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như sự ổn định về chính trị, an ninh là những yếu tố khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư Saudi Arabia coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn và đầy hứa hẹn.
Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia thời gian qua cũng như triển vọng của hợp tác giữa hai bên trong tương lai. Theo Đại sứ, hai bên cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới?
Trên thực tế, quan hệ giữa hai nước đang có đà phát triển lớn. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud đã đến thăm Việt Nam vào tháng 8/2022 và đây là chuyến thăm hết sức quan trọng và tích cực.
Tiếp theo đó, Saudi Arabia đã đăng cai tổ chức phiên tham vấn chính trị đầu tiên giữa hai nước. Phiên họp đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp cũng như trao đổi thương mại giữa hai nước.
Với nhiệm vụ là đại diện của Saudi Arabia tại Việt Nam, bên cạnh việc tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước, tôi cũng tập trung khuyến khích trao đổi văn hóa và du lịch, tăng cường giao lưu nhân dân giữa Saudi Arabia và Việt Nam. Đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội to lớn chưa được khám phá. Cả hai quốc gia, hai dân tộc đều có lịch sử vĩ đại cũng như các địa điểm du lịch, di tích lịch sử hấp dẫn. Điều này là rất quan trọng và tôi mong muốn được chứng kiến nhiều hơn nữa sự giao lưu nhân dân giữa hai nước, qua đó đóng góp to lớn vào việc củng cố và mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia.
Tin vui là gần đây tôi bắt đầu thấy nhiều người Saudi Arabia đến Việt Nam du lịch, và các bạn Việt Nam cũng đã bắt đầu đến Saudi Arabia để du lịch và để xem các trận đấu bóng đá ở đất nước chúng tôi. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, cũng như văn hóa, nghệ thuật địa phương của hai nước là một trong những yếu tố nổi bật tạo nên sức hấp dẫn và sự tương đồng giữa hai nước và là cơ sở tốt để từ đó thúc đẩy hợp tác chung giữa hai quốc gia.
Cảm nhận về đất nước Việt Nam của Đại sứ? Đại sứ có những kế hoạch hay dự định lớn nào trong thời gian sắp tới muốn chia sẻ và có thông điệp gì cần nhắn nhủ từ đất nước Saudi Arabia?
Tôi rất vui khi được đến Việt Nam với tư cách là đại diện cho đất nước tôi tại Việt Nam – một đất nước xinh đẹp, đa dạng với những người dân tốt bụng. Tôi cũng rất hạnh phúc vì có được những người bạn tốt ở Việt Nam. Mỗi ngày tôi lại tìm thấy nhiều điểm tương đồng về nhân sinh giữa nhân dân hai nước chúng ta.
Khi đội tuyển bóng đá Saudi Arabia giành chiến thắng đầu tiên tại World Cup trước Argentina, tôi đã nhận được hàng chục cuộc gọi từ những người bạn Việt Nam. Gia đình tôi cũng rất vui khi sống tại Việt Nam. Con gái 8 tuổi của tôi, Sarah, đã học tiếng Việt và nói khá thông thạo. Cô bé cũng giúp tôi phiên dịch khi tôi đến các khu chợ và nhà hàng.
Tôi rất ấn tượng với ẩm thực phong phú, phong cách sống, sự tôn trọng thời gian và sự chăm chỉ của người Việt Nam.
Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ song phương sẽ mang đến nhiều hơn nữa sự tiến bộ và thịnh vượng cho cả hai quốc gia trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Saudi Arabia là một trong các đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Việt Nam và Saudi Arabia đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác kinh tế quan trọng như Hiệp định khung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và kỹ thuật (5/2006); Hiệp định về Hợp tác nông nghiệp, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Nghị định thư về Hợp tác dầu khí, Thỏa thuận thành lập Hội đồng doanh nghiệp và hợp tác giữa hai phòng thương mại và công nghiệp (4/2010); Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giúp việc gia đình Việt Nam làm việc tại Saudi Arabia (9/2014), Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam – Saudi Arabia (8/2019)….
Từ ngày 11-13/9, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp (TMCN) Riyadh, Saudi Arabia đón Đoàn Doanh nghiệp Saudi Arabia đến tìm hiểu thị trường Việt Nam. Đoàn có gần 100 đại biểu gồm đại diện các bộ, ngành kinh tế chủ chốt và các doanh nghiệp Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực khác nhau (năng lượng, công nghiệp sắt, thép, khai khoáng, phụ tùng công nghiệp, xây dựng, đầu tư, y tế, mỹ phẩm, dược phẩm, thể thao, du lịch, nguồn nhân lực, vận tải, bán lẻ, đồ gỗ, may mặc, nông nghiệp và thủy sản, công nghệ thông tin…) do Phòng TMCN Riyadh dẫn đầu. |