Giá xăng dầu hôm nay 10/10, sau lần giảm mạnh vào kỳ điều hành lần trước (2/10), liệu giá xăng trong nước có tiếp tục giảm vào kỳ điều hành ngày mai (11/10)?
Giá xăng dầu hôm nay 10/10
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 10/10 duy trì ở mức cao được thiết lập từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h20′ ngày 10/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,01 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 86,22 USD/thùng.
Hôm 9/10, giá dầu bật tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang đỉnh điểm.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h48′ ngày 9/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 87,99 USD/thùng, tăng 3,41 USD, tương đương 4,03% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 86,39 USD/thùng, tăng 3,6 USD, tương đương 4,35% so với phiên liền trước.
Đến 20h46′ ngày 9/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 87,66 USD/thùng, tăng 3,08 USD, tương đương 3,64% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 86,13 USD/thùng, tăng 3,34 USD, tương đương 4,03% so với phiên liền trước.
Sau khi giảm mạnh trong tuần trước, giá xăng dầu thế giới bất ngờ tăng vọt vào phiên đầu tuần này trước các diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông vào cuối tuần qua.
Tuần trước, giá dầu thô Brent giảm 11% còn giá dầu thô WTI giảm 8% khi thị trường lo ngại việc các ngân hàng trung ương lớn duy trì lãi suất ở mức cao có khả năng tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế và làm suy yếu nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Song tâm lý của giới đầu tư đột ngột thay đổi sau khi nhóm Hồi giáo Palestine Hamas vào ngày 7/10 đã phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất vào Israel trong nhiều thập kỷ.
Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine đang làm gia tăng lo ngại về bất ổn địa chính trị tại Trung Đông.
Tuy nhiên, sự tăng vọt của giá dầu có thể chỉ là một phản ứng mang tính tức thời và sẽ không kéo dài. Nguồn cung dầu trên thị trường có thể không chịu nhiều tác động trực tiếp từ cuộc xung đột, bởi Israel và Palestine đều không phải là những nước quan trọng trong chuỗi cung ứng dầu.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo, cuộc xung đột trên đang làm giảm đáng kể kỳ vọng Saud Arabia – nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – sẽ sớm điều chỉnh các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện lên tới 1 triệu thùng dầu/ngày. Điều này sẽ tiếp tục khiến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới thắt chặt trong những tháng cuối năm.