Trong 4 mục tiêu tổng quát về chủ đề năm 2024, TP. Hồ Chí Minh xác định cần tận dụng lợi thế về hạ tầng, thị trường, nhân lực và điều kiện đặc thù để phát triển mạnh kinh tế số; thúc đẩy tương tác giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ Thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn;
Phấn đấu nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh; 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.
Đặc biệt, năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu “phấn đấu đóng góp của kinh tế số trong GRDP đạt 22%”.
Để đạt được điều đó, Nghị quyết của HĐND Thành phố yêu cầu phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng thành phố thông minh.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp thu hút vốn FDI gắn với phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế thành phố. Các dự án đổi mới sáng tạo phải gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, chương trình chuyển đổi số của thành phố tập trung 4 vấn đề quan trọng gồm: Phương thức triển khai từ tin học hoá sang chuyển đổi số; Kết quả tổng thể; Hạn chế, khó khăn; Giải pháp thực hiện chủ đề năm 2024.
Thực hiện chuyển đổi số là thay đổi cách tổ chức, vận hành một cách toàn diện bằng công nghệ và dữ liệu.
Vì vậy, thành phố đã thay cách làm công nghệ thông tin so với trước đây khi chuyển từ việc mua sắm, đầu tư các hệ thống riêng lẻ sang tập trung xây dựng các nền tảng số thống nhất toàn thành phố.
Trong đó, chuyển từ xây dựng các phần mềm rời rạc sang tập trung các nền tảng số.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang vận hành 14 nền tảng số lớn. Riêng trong năm 2023, đã tập trung xây dựng, phát triển 5 nền tảng quan trọng gồm: Nền tảng giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công; Nâng cấp hệ thống tiếp nhận, trả lời và xử lý phản ánh, kiến nghị người dân (tổng đài 1022); Nền tảng bản đồ số TP. Hồ Chí Minh; Hệ thống đánh giá chỉ số chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh và Hệ thống Quản trị thực thi của Thành phố trên các nền tảng số.
Sắp tới, nền tảng lắng nghe mạng xã hội có ứng dụng AI cũng được áp dụng để mỗi sở, ngành, quận, huyện có thể theo dõi thông tin hằng ngày về đơn vị; Trả lời câu hỏi 10 vấn đề người dân thành phố quan tâm nhất từng ngày, từng tuần là gì.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Đình Thắng, so với yêu cầu thực tiễn và mong muốn thì quá trình chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh còn hạn chế, còn nhiều điều cần phải làm.
Bởi lẽ, chuyển đổi số là một quá trình về cả giải pháp công nghệ lẫn kiến tạo thể chế, tái cấu trúc quy trình – nghiệp vụ, cần thời gian và lộ trình để chuyển đổi.
Nguồn tin: Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số (baoquocte.vn)