“Việc mỗi địa phương xây dựng một nền tảng cửa khẩu số sẽ dẫn đến sự không thống nhất về các quy trình, thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan cũng như các quy trình nghiệp vụ khác, đặc biệt đặc thù của những cửa khẩu có khác nhau. Điều này ảnh hướng đến công tác quản lý Nhà nước về hải quan không thống nhất giữa các cửa khẩu, giữa các địa phương khi thực thi pháp luật hải quan và các pháp luật quản lý chuyên ngành khác; đồng thời gây lãng phí đầu tư xây dựng, nguồn nhân lực…”, đại diện Bộ Tài chính nhận xét.
Ví dụ tại tỉnh Lạng Sơn, nền tảng cửa khẩu số tại Lạng Sơn đã được triển khai thí điểm hơn 1 năm và mang lại lợi ích đáng kể. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, khi xây dựng quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số cần rà soát kỹ căn cứ pháp lý, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn có nhiều nỗ lực, chủ động trong việc triển khai chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Đặc biệt, nền tảng cửa khẩu số tại Lạng Sơn được triển khai thí điểm từ năm 2022, với sự phối hợp của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh cho trung tâm vận hành nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã góp phần hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý điều hành của UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan quản lý chức năng tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, liên quan đến quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số, tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng Quyết định thay thế Quyết định 941/QĐ-UBND về quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số. phía Bộ Tài chính cho rằng: Nhiều nội dung chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tại cửa khẩu, có sự chồng chéo giữa các lực lượng.
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục góp ý các nội dung liên quan dự thảo quyết định thay thế Quyết định 941/QĐ-UBND này. Theo Bộ Tài chính, Dự thảo quyết định quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân (cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người điều khiển phương tiện vận tải), bao gồm cả các cơ quan chức năng trực thuộc tỉnh và các đơn vị thuộc sự quản lý của các bộ, ngành như: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch khi thực hiện quy trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên nền tảng cửa khẩu số; quy trình đối với phương tiện của Việt Nam, Trung Quốc chở hàng hóa ra, vào khu vực cửa khẩu, kèm Biểu mẫu Tờ khai báo thông tin phương tiện vận tải chở hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu.
Như vậy, dự thảo Quyết định có chứa đựng nội dung quy định về thủ tục hành chính, nhưng những thủ tục hành chính này lại không được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hay thuộc trường hợp được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao cho cấp UBND ban hành quyết định hướng dẫn.
Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Lạng Sơn rà soát kỹ căn cứ pháp lý đối với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của tỉnh trong việc quy định về đối tượng áp dụng. Phía cơ quan Hải quan có nhiệm vụ chủ trì thực hiện thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, phương tiện qua lại biên giới để giao nhận hàng hóa và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát; Bộ đội Biên phòng thực hiện kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và chỉ kiểm tra giám sát hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới tại các cửa khẩu phụ lối mở biên giới nơi không có cơ quan Hải quan.
“Tại Dự thảo quyết định quy định Bộ đội Biên phòng kiểm tra, xác nhận đối với phương tiện vận tải qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là không phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Hải quan. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan được Quốc hội và Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Hải quan và được áp dụng thống nhất trên toàn bộ các khu vực thuộc địa bàn quản lý hải quan trên toàn quốc, việc tỉnh Lạng Sơn ban hành quy định riêng làm thay đổi quy trình dễ dẫn đến không thống nhất giữa các cửa khẩu, giữa các địa phương khi thực thi pháp luật hải quan, gây chồng chéo, làm phát sinh thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu”, đai diện Bộ Tài chính phân tích