Dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng dự.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai biểu dương kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, trong đó nhấn mạnh 3 kết quả nổi bật: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các văn bản mới về quy định, quy trình trong công tác kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm, chủ động, có hiệu quả nhiệm vụ được giao, nhất là những vấn đề Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thực hiện quyết liệt, đã xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng và đảng viên, đa số cán bộ bị kỷ luật chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao trong điều kiện có nhiều khó khăn cả về khách quan và chủ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thành khối lượng công việc lớn, có những công việc khó, phức tạp để tiếp tục thực hiện chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai”, được sự ghi nhận, đánh giá cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp.
“Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ủy ban Kiểm tra các cấp và qua đó đội ngũ cán bộ kiểm tra cũng được rèn luyện, trưởng thành vững vàng hơn, năng lực tốt hơn, có kinh nghiệm nhiều hơn”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ ra, quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy dù đã được quán triệt nhiều nhưng vấn đề tự soi, tự sửa vẫn còn hạn chế, khó khăn. Nếu các sai phạm của đảng viên không được phát hiện sớm từ tổ chức cơ sở Đảng, từ cấp ủy Đảng, từ chính bản thân cán bộ đó, mà chỉ được phát hiện từ cơ quan chức năng thì vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từ cấp cơ sở.
Tán thành với 6 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2024 được nêu trong Báo cáo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp tục kiến nghị, tham mưu được cho Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình, chính sách, pháp luật để tăng cường công tác phòng ngừa, giảm thiểu được cán bộ vi phạm, nhất là vi phạm không phải do cố ý của đảng viên, tổ chức đảng mà do quy định chưa rõ, do chính sách pháp luật chưa hoàn thiện.
“Các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra các cấp hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân”, Thường trực Ban Bí thư đề nghị
Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chủ trương của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, hướng dẫn, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với quy định của Đảng và điều kiện thực tiễn.
Song hành với đó, tập trung thực hiện toàn diện, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao; trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường, đẩy mạnh giám sát chuyên đề để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh báo các vi phạm, khuyết điểm. Tiếp tục xây dựng Ngành Kiểm tra, đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới…