Đại sứ có thẻ chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Romania lần này của Thủ tướng?
Nhận lời mời của Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Romania từ 20-22/1. Chuyến thăm trước hết, nhằm khẳng định mong muốn của Việt Nam tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, được dày công xây dựng và vun đắp từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/2/1950.
Với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu dành cho nhau, những năm qua quan hệ Việt Nam-Romania tiếp tục được thể hiện tại các diễn đàn quốc tế, trong việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) cũng như trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và sơ tán công dân Việt Nam khỏi xung đột tại Ukraina cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Romania…
Chuyến thăm diễn ra vào những ngày đầu năm 2024, là năm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm tới. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ mang lại khí thế mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, chuyến thăm cũng đã và đang tạo ra một không khí vô cùng phấn khởi đối với đối với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Romania mong chờ được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã có thời gian dài học tập, nghiên cứu và làm việc tại Romania, với những tình cảm gắn bó vô cùng thân thiết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trao đổi với Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu và các lãnh đạo Romania về các biện pháp để tiếp tục phát huy, thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, còn nhiều tiềm năng.
Lãnh đạo hai nước sẽ bàn về các biện pháp tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là trao đổi đoàn cấp cao, triển khai các thỏa thuận đạt được tại khóa họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế lần thứ 17 tại Hà Nội hồi tháng 11/2023.
Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh bổ trợ cho nhau như nông sản – thực phẩm, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế, năng lượng…phối hợp triển khai hiệu quả EVFTA, thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hai Thủ tướng cũng sẽ trao đổi để tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, hợp tác phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, hợp tác tại các diễn đàn đa phương…
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng bàn thảo thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, du lịch, tư pháp, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, lao động, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam…
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Romania, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, chứng kiến lễ ký kết một loạt văn kiện hợp tác, thăm các cơ sở kinh tế, trường học, viện nghiên cứu, gặp gỡ một số bạn bè Romania và cộng đồng người Việt Nam tại sở tại…
Được biết, Romania là một trong 3 nước đầu tiên phê chuẩn cả hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, vậy theo Đại sứ, hai bên sẽ khai thác thế mạnh này thế nào để thu hút hơn nữa vốn đầu tư, thúc đẩy giao thương giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước?
Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước Việt Nam – Romania đã phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt trong thời gian gần đây. Đối với Việt Nam, Romania là đối tác truyền thống tại khu vực Đông Nam Âu và là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường các nước EU và Khu vực Tây Balkan.
Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA, chìa khóa mở rộng cánh cửa cho thương mại và đầu tư của Việt Nam vào khu vực. Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Romania tăng hơn 1,6 lần so với 2019, từ 261 triệu lên 425 triệu USD.
Doanh nghiệp hai nước cần được chuẩn bị tốt để tranh thủ các cơ hội do việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình được EVFTA đề ra. Sau khi được toàn bộ các nước EU phê chuẩn, EVIPA sẽ có tác động bổ trợ với EVFTA trong thu hút các nguồn đầu tư để thúc đẩy trao đổi thương mại trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông sản chế biến, hóa chất, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, các sản phẩm công nghệ thông tin…
Với triển vọng Romania sớm trở thành thành viên đầy đủ của khối Schenghen, tiếp cận được thị trường này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn là EU. Cho đến nay, một tỷ trọng hàng hóa lớn của Việt Nam nhập khẩu vào Romania vẫn phải trung chuyển qua một nước thứ ba, nếu như nhập hàng hóa của Việt Nam trực tiếp qua cảng Constanta của Romabia sẽ có thể rút ngắn lộ trình 6 ngày so với tuyến đường vận tải hàng hóa truyền thống qua các cảng Tây Âu hiện nay.
Cũng như Việt Nam, Romania đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn trụ cột, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò xương sống của nền kinh tế Romania, chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp. Vì vậy, công tác thông tin, kết nối doanh nghiệp thông qua các các hoạt động hội chợ, triễn lãm, hội thảo, trao đổi đoàn để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau cũng như tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, thương mại, đầu tư và hợp tác có vai trò hết sức quan trọng.
Tăng cường mối quan hệ trực tiếp giữa các địa phương cũng như thúc đẩy việc thành lập một phòng thương mại và công nghiệp song phương Việt Nam – Romania cũng nằm trong số các biện pháp hữu hiệu nhằm thông tin, kết nối doanh nghiệp hai nước.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels tháng 12/2022, và dự Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Romania Klaus Iohannis, thảo luận các biện pháp cụ thể để mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, giáo dục đào tạo… Theo Đại sứ, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác ra sao trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này?
Lĩnh vực kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, cũng như giáo dục đào tạo, phải là những lĩnh vực hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Quyết tâm của Việt Nam trong các lĩnh vực này đã rõ ràng. Phía Romania cũng đang thúc đẩy thực hiện các tham vọng về mục tiêu năng lượng tái tạo và phát triển các công nghệ carbon thấp, để đạt được các mục tiêu của Romania về trung hòa carbon, và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Hai bên cần khuyến khích thúc đẩy khả năng hợp tác chuyển giao công nghệ và đầu tư tại mỗi nước trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Hai bên có thể xem xét hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực xanh cũng như đầu tư để hiện đại hóa các cơ sở sản xuất hiện có dưới hình thức đầu tư liên doanh.
Hai bên cần thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực điện, góp phần tăng cường an ninh năng lượng ở cấp quốc gia, kết nối truyền tải với các nước láng giềng cũng như vận hành hệ thống điện với tỷ lệ năng lượng tái tạo cao; hợp tác trong các dự án đầu tư mới để tăng cường đóng góp của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, bao gồm việc khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi ở khu vực Biển Đen, các cơ sở lưu trữ điện quy mô lớn và sử dụng hydro để khử cacbon.
Cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần đẩy mạnh phối hợp với nhau trong lĩnh vực chế biến dược phẩm, sản xuất thuốc, nông nghiệp, thú y, phát triển các dịch vụ sửa chữa hậu cần kỹ thuật điện và điện tử… phù hợp với xu thế phát triển xanh và tiêu dùng bền vững.
Lĩnh vực đào tạo là một lĩnh vực cần được ưu tiên hợp tác. Romania có nền giáo dục tiên tiến, có uy tín trên nhiều lĩnh vực. Romania đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 3.000 cán bộ, chuyên gia (trong các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ thông tin, âm nhạc, kiến trúc, xây dựng, địa chất, hóa dầu…).
Nhiều người trong số đó đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam thời gian qua, và với những tình cảm yêu mến trọn vẹn, thủy chung dành cho đất nước và con người Romania đang là cầu nối quan trọng gắn kết tình hữu nghị giữa hai nước.
Bên cạnh các ngành truyền thống, cần chú trọng tăng cường hợp tác đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ, cơ sở hạ tầng và mạng truyền thông điện tử băng thông rộng, y, dược…
Hai bên cần khai thác hiệu quả Chương trình hợp tác giáo dục giữa hai nước (ký tháng 4/2023), cũng như triệt để khai thác các cơ chế học bổng khác, mang lại nhiều cơ hội hơn cho sinh viên hai nước, thúc đẩy kết nối, giao lưu giáo dục, văn hóa và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai nước trong thế hệ trẻ.
Trong hơn bảy thập kỷ qua, quan hệ giữa hai nước được duy trì và có những bước phát triển tích cực, Đại sứ kỳ vọng thế nào về mối quan hệ Việt Nam-Romania trong thời gian tới, đặc biệt sau những xung lực từ chuyền thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ?
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm sẽ tạo một cú huých cho mối quan hệ thực chất giữa hai nước, vì lợi ích của mỗi bên. Hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ sớm bắt lại đà phát triển của những năm trước đó, sau một thời gian hơi “trầm lắng”, do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình phức tạp tại khu vực, trên thế giới và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, hai bên sẽ đưa ra cơ chế nhằm duy trì thường xuyên đối thoại chính trị ở các cấp (cấp cao, cấp Nghị viện, tham vấn chính trị, phối hợp trên các diễn đàn quốc tế), giao lưu nhân dân, hợp tác về văn hóa – khoa học – giáo dục, tăng cường trao đổi thương mại – đầu tư, hợp tác về lao động… đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Đó là sự kỳ vọng, niềm tin không chỉ của cá nhân tôi, mà rất nhiều bạn bè Romania yêu mến Việt Nam và bạn bè Việt Nam yêu mến Romania, đặt vào chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ.
Xin bày tỏ niềm tin mạnh mẽ là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với tình cảm sâu sắc dành cho mối quan hệ Việt Nam-Romania sẽ có một chuyến thăm thành công tốt đẹp, khơi dậy những tiềm năng còn chưa được khai thác.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn tin: Tạo “cú huých” mới cho hợp tác thực chất Việt Nam-Romania (baoquocte.vn)