Dự kiến, ngay từ đầu buổi sáng, Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Đây là tuần làm việc thứ 4 (17-21/6) của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tập trung cho công tác lập pháp.
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.
Theo chương trình, trong tuần làm việc, Quốc hội cũng thảo luận về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), ngày 22/5, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây.
Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo tờ trình, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối, thu xếp nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả tài chính, Chính phủ đề xuất: giai đoạn phân kỳ đầu tư Dự án với chiều dài khoảng 128,8 km (đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km, bao gồm cả 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100 – 120 km/h. Hướng tuyến cơ bản phù hợp với quy hoạch được duyệt, điều chỉnh cục bộ hướng tuyến một số đoạn để khắc phục điều kiện địa hình, thuận lợi trong thi công và khai thác, tạo không gian phát triển mới cho địa phương.
Để đảm bảo kết nối và phát triển kinh tế – xã hội, trong phạm vi dự án dự kiến đầu tư 11 nút giao liên thông (giai đoạn phân kỳ đầu tư 5 nút giao, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 nút giao còn lại); bố trí đầy đủ hệ thống cầu vượt ngang, đường gom, hầm chui dân sinh để bảo đảm kết nối, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế chia cắt cộng đồng.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Dự án được tính toán, xác định tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm Vốn nhà nước, vốn nhà đầu tư. Chia thành 05 dự án thành phần, trong đó, Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT). Các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.
Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án. Theo đó, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án; cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư…