Dự kiến buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
* Hôm qua 17/6, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình đợt 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, về thời gian, đợt 2 này sẽ diễn ra từ ngày 17/6 tới sáng ngày 29/6; kéo dài thêm 1 ngày so với chương trình dự kiến đầu kỳ họp.
Chương trình kỳ họp đã bổ sung thêm 3 nội dung liên quan tới luật về bất động sản, nhà ở; nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng và quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.
Cụ thể, chiều 17/6, Quốc hội bổ sung nội dung thảo luận tại Tổ về Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Ngày 25/6, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.
Ngày 29/6, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đưa một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
* Về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), kết thúc đợt 1 kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe báo cáo tóm tắt, báo cáo thẩm tra, tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Theo Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Công đoàn hiện hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013), sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Cụ thể, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước những đòi hỏi mới, như: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về tài chính Công đoàn chưa được bổ sung cụ thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch; cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao,…
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội lần này được xây dựng có bố cục gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn hiện hành.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật và thấy rằng, còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng, sửa đổi luật như: Xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.
Ủy ban Xã hội cũng đã đề xuất một số nội dung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận như: Địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam (Điều 1); Phạm vi điều chỉnh (Điều 2); Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5) và gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6); Thanh tra, kiểm tra và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam (các điều 15 và 17); Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 27); Vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, tài sản công đoàn (các điều 29, 30 và 31). Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn (Điều 32)…
Với tính chất quan trọng của dự án Luật, cử tri mong mỏi các đại biểu Quốc hội dành tâm huyết, tập trung trí tuệ, nhanh chóng đóng góp ý kiến thiết thực, kịp thời chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), bảo vệ quyền lợi người lao động và góp phần thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế, phát triển bền vững.
* Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005.
Sau gần 8 năm thi hành, một số quy định của Luật Dược đã không còn phù hợp, bộc lộ bất cập, hạn chế trên thực tiễn. Cùng với đó, vừa qua hệ thống pháp luật của nước ta đã ban hành nhiều chính sách, quy định mới.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là rất cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016. Theo đó, Dự thảo Luật không thay đổi phạm vi điều chỉnh của Luật Dược 2016, chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thu hồi thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.
* Về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa.
Dự án Luật cũng nhằm sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.
Đồng thời, việc sửa luật còn tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa…, và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bố cục của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm:
Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng;
Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương;
Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.