NSƯT Nguyễn Như Bình sinh năm 1939, bén duyên với nghiệp múa từ năm 1953 khi ông được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nghệ sĩ Hoàng Châu tuyển chọn trong số hàng trăm học sinh có năng khiếu để bổ sung cho Đoàn Văn công nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc.
Những năm tháng tuổi trẻ băng rừng, vượt núi nơi mặt trận hiểm nguy để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc đã tôi luyện nên một nghệ sĩ – chiến sĩ Như Bình kiên gan, bền chí.
Đồng thời, mốc son tuyệt đẹp ấy cho ông cơ hội được gặp mặt vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh để thấm nhuần lời dạy của Người: “Hãy sống hết mình cho nghệ thuật và Tổ quốc thân yêu!”
Tinh thần nghệ sĩ – chiến sĩ
Tháng 6/1957, Nguyễn Như Bình xuất sắc trúng tuyển vào lớp múa đầu tiên của Việt Nam do hai chuyên gia múa nổi tiếng của Triều Tiên là bà Chu Huệ Đức và ông Kim Tế Hoàng huấn luyện.
Sự từng trải nơi chiến trường, cộng với niềm đam mê múa mãnh liệt chắp thêm đôi cánh cho Như Bình thỏa sức sáng tạo khi được đào tạo bài bản dưới sự giảng dạy của các thầy cô giỏi tại “cái nôi” của ngành múa là Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam).
Từ đây, Như Bình liên tiếp được chọn đi biểu diễn, thi đấu tại nhiều quốc gia trên thế giới và giành nhiều huy chương Vàng, huy chương Bạc cho Việt Nam.
Tài năng được khẳng định, năm 1960, ông vinh dự tham gia xây dựng kịch múa “Tấm Cám” và vở ca kịch “Evgeny Onegin” của Pushkin và Tchaikovsky để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Giai đoạn này Như Bình vừa học tập, vừa biểu diễn khắp nơi trong và ngoài nước, khẳng định mình qua nhiều vai diễn. Song, với tinh thần của một nghệ sĩ – chiến sĩ, từ năm 1961-1971, ông tình nguyện tham gia phục vụ tại các chiến trường ác liệt, nhằm đem tài năng của mình cổ vũ tinh thần đồng bào và chiến sĩ anh dũng vượt qua những gian khó, khốc liệt của chiến tranh vì sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Cuối năm 1972, Như Bình xuất sắc trúng tuyển vào khoa đạo diễn múa ballet của Học viện Nghệ thuật sân khấu Lunatraxky, Moscow. Quá trình học tập tại Lunatraxky, Như Bình vẫn giữ vững phong độ và ngọn lửa đam mê nghệ thuật cháy bỏng.
Từ khi còn là sinh viên, Như Bình sáng tác nhiều tác phẩm múa. Một trong số đó là tác phẩm “Mùa Xuân bên bờ suối”, được dàn dựng cho Đoàn nghệ thuật Lovchev của Liên Xô, biểu diễn vào năm 1976 tại Moscow để lấy kinh phí góp phần xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội. Vì thế, NSƯT Nguyễn Như Bình được coi là một trong những người tạo dựng nền móng đầu tiên cho Cung.
Năm 1977, tốt nghiệp xuất sắc và trở về nước, Như Bình được mời công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tri thức mới mẻ được học hỏi từ nước ngoài, cộng với nền tảng vốn có từ trong nước, được đặt lên trên tất thảy là tình yêu quê hương, đất nước đã khiến cho góc nhìn của Như Bình thêm rộng mở, đầy mỹ cảm song cũng rất đời.
Từ vai trò là diễn viên biểu diễn thành công các tác phẩm múa như “Đôi bờ”, “Theo cờ giải phóng”, “Một ông, hai bà”, “Thầy thầy tớ tớ”, “Khèn Mèo”, Tuần đuốc”, “Xuôi bè”, “Trống Tây nguyên”, “Múa Chuông”, “Đường ra tiền tuyến”, “Mùa xuân Tây Nguyên”, “Bắc Nam sum họp”, “Cảm tử quân”…, ông còn khẳng định tên tuổi của mình trên cương vị là biên đạo múa, tổng đạo diễn cho rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn.
Dấu ấn khó phai trong nghề
Có thể nói, dấu ấn của Như Bình để lại rất đậm nét trong các chương trình nghệ thuật lớn mang tính chính trị của quốc gia và các sự kiện của các tỉnh thành trong cả nước, bao gồm chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội; chương trình nghệ thuật chào mừng chiến thắng Điện Biên; chương trình nghệ thuật phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội; các Festival múa lần thứ IV, lần thứ XII tại Moscow…
Cố GS.TS.NSND. Lê Ngọc Canh – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam từng cảm thán về sức sáng tạo và lao động miệt mài của nam đồng nghiệp mẫn cán: “Như Bình thực sự là nghệ sĩ đầy tâm huyết với nghề, với công tác Hội; nghệ sĩ nói, làm, viết, xả thân vì nghề, vì công việc!”
Tháng 6/1990, Đại hội Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam lần thứ Nhất, NSƯT Nguyễn Như Bình được bầu làm Chánh Văn phòng Hội. Bên cạnh đó, ông trực tiếp cộng tác, tư vấn, giúp đỡ các chương trình văn hóa nghệ thuật của các cơ quan, tổ chức tới các sân chơi về nhảy múa, khiêu vũ cho các công ty, doanh nghiệp, tỉnh đoàn trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Sự nhiệt tình, hăng say của ông để lại nhiều thiện cảm và ấn tượng tốt đẹp cho các đối tác và trong lòng khán giả.
Lan tỏa múa Việt Nam ra thế giới
Bằng tình yêu sâu nặng với nghệ thuật múa, với tinh thần của nghệ sĩ say mê nghiên cứu, NSƯT Nguyễn Như Bình đã chịu khó tìm tòi, viết lách và cho ra đời rất nhiều bài báo hay, có tính lý luận chuyên sâu về nghệ thuật múa. Ở ông luôn đau đáu nỗi niềm làm sao lan tỏa tinh hoa nghệ thuật múa Việt Nam ra thế giới, quảng bá, giới thiệu nét đẹp của loại hình nghệ thuật này tới bạn bè năm châu.
Chính vì khát khao cháy bỏng đó nên mặc dù tuổi đã “xế chiều”, ông vẫn cùng người vợ thân thương là đạo diễn truyền hình Phương Châm liên tục được các tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài mời sang dàn dựng các vở múa phục vụ các chương trình nghệ thuật lớn tại Pháp, Đức, Czech, Nga, Lào…
Năm 2017, được sự cho phép của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đại diện người Việt Nam tại Đức đã mời NSƯT Như Bình làm tổng đạo diễn chương trình Giỗ tổ Hùng Vương tại Berlin.
Chương trình gây được tiếng vang và để lại nhiều tình cảm trong lãnh đạo đại sứ quán các nước và bà con người Việt xa quê hương. Họ dành tặng ông nhiều lời khen ngợi và cảm phục cho “vị sứ giả” tuyệt vời dùng nghệ thuật múa Việt Nam để xây dựng, gắn kết tình đoàn kết hữu nghị bền chặt với các quốc gia trên thế giới.
Ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn cứ cháy mãi trong trái tim và khối óc nghệ sĩ khiến ông chẳng có phút giây nào thôi nghĩ về múa. Vì thế, sau khi nghỉ công tác, ông tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội.
PGS.TS. NSND Ứng Duy Thịnh – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam từng nói về đồng nghiệp của mình bằng sự trân trọng xen lẫn cảm phục: “Ở nghệ sĩ 85 tuổi đời, 70 năm tuổi nghề, vẫn ánh mắt tươi vui, say sưa nói về múa khiến tôi chợt hiểu rằng, đằng sau những giải thưởng, bằng, giấy khen kia là hành trình liên tục của đời người với bao nhiêu say sưa và đam mê trong gian khó. Theo cách của mình, ngọn lửa ấy cháy mãi…”.
Ai đó từng nói rằng, nếu nhân cách là những phẩm chất để con người trở thành chính họ, thì tài năng chính là cái làm cho một cá nhân không thể trộn lẫn với bất cứ ai. Câu nói này quả thực đúng với NSƯT Nguyễn Như Bình – một người vẹn toàn cả về tài năng và nhân cách.
Thật khó kể hết những thành tích mà ông đã đạt được trong chặng đường dài hơn 70 năm cống hiến cho nền nghệ thuật múa nước nhà. Chỉ biết rằng, dấu ấn ông đã, đang và sẽ in đậm mãi trong trái tim của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả yêu nghệ thuật múa Việt Nam. Đó là phần thưởng xứng đáng cho một nghệ sĩ chân chính dám hết mình với đam mê.
NSƯT Nguyễn Như Bình vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Bác Hồ. Bên cạnh đó, ông được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Bằng khen của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… |
Nguồn tin: NSƯT Nguyễn Như Bình: Múa nâng cánh những giấc mơ đẹp… (baoquocte.vn)