Lịch trình làm việc dày đặc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với giới doanh nghiệp trước các cuộc tiếp xúc cấp cao giúp mang lại những kết quả thực chất cho chuyến công tác.
Củng cố niềm tin, vững thế “ba chân kiềng”
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống và hữu nghị bền chặt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawarhalal Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chuyến thăm Ấn Độ 10 ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958 đã in đậm trong tâm trí của người dân hai nước.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, người có nhiều năm tháng gắn bó với đất nước Ấn Độ trong sự nghiệp ngoại giao của mình từng nhận định rằng, với Việt Nam, “sự ủng hộ của Ấn Độ vô cùng quyết liệt, vô cùng to lớn, vô cùng sâu đậm… Cả nước Ấn Độ lớn, đông như vậy, rất nhiều đảng phái như vậy nhưng riêng việc ủng hộ Việt Nam là thống nhất”.
Với niềm tin vững vàng và quý giá đó, trong các giai đoạn phát triển, Việt Nam và Ấn Độ luôn trân trọng và hướng đến nhau trong các chiến lược của mình. Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007, sau đó được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi, chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác và gặp gỡ báo chí; hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu; gặp Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Jagdeep Dhankhar; tiếp Chủ tịch Hạ viện Om Birla, Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar… |
Từng bước, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đang trên đà phát triển thuận lợi trên thế “ba chân kiềng” với những cam kết về chính trị – ngoại giao, quốc phòng – an ninh và kinh tế – thương mại mạnh mẽ. Có thể thấy, xuyên suốt, Ấn Độ coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
“Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ”, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản tháng 5/2023.
Hợp tác quốc phòng – an ninh vốn được xem là trụ cột quan trọng và ở tầm cao chiến lược của quan hệ song phương, đặc biệt khi hai nước ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần (tháng 6/2022), hợp tác về đào tạo, hợp tác công nghiệp quốc phòng, cử tàu hải quân thăm, cung cấp các gói tín dụng và viện trợ không hoàn lại.
Khí thế tiến lên, cơ hội bứt phá
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành gần như trọn vẹn ngày đầu tiên của chuyến thăm để có một loạt cuộc tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. Điều đó phần nào nói lên nhiệt huyết muốn “thổi bùng” khí thế hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với nền kinh tế đông dân nhất thế giới và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần, kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2023. Trong một năm từ tháng 4/2023-3/2024, thương mại song phương đạt 14,82 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam lên tới 5,47 tỷ USD và xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là 9,35 tỷ USD. Ấn Độ hiện có 380 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 24/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, hai nước thúc đẩy triển khai hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics…
Rõ ràng, hai nước hoàn toàn có thể bứt phá trong hợp tác kinh tế bởi từ chính hạt nhân chủ thể của hợp tác – giới doanh nghiệp hai nước đã và đang “căng tràn” năng lượng sẵn sàng cho những “chiến dịch” mới. Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Ashnit Sethia, Công ty Sethia Hemaj cho biết đã đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được năm năm và những gì ông nhìn thấy là những con đường cao tốc nối dài được mở ra, cơ sở hạ tầng mới được xây dựng, đây chính là lực hút để Việt Nam nhận được ngày càng nhiều khoản đầu tư lớn.
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani – tỷ phú giàu nhất châu Á và lãnh đạo Tập đoàn Adani bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng sân bay, cảng biển và phát triển hệ thống logistics ở Việt Nam. Adani là tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng. |
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực được xem là “khó tính” vì các khoản đầu tư đều dài hạn với hợp đồng lâu dài. Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp Ấn Độ đang hướng về Việt Nam, bởi theo Giám đốc công ty điện lực India Power Somesh Dasgupta, “Việt Nam là một quốc gia ổn định” và có thể tạo ra sự an tâm cho doanh nghiệp muốn đi sâu vào lĩnh vực hợp tác này.
Thêm nữa, đến nay, mỗi tuần có hơn 50 chuyến bay thẳng kết nối hai nước. Qua đó, tốc độ tăng trưởng khách du lịch Ấn Độ vào Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất, với lượng khách du lịch từ Ấn Độ thăm Việt Nam tăng từ 170.000 khách của năm 2019 lên 400.000 khách trong năm 2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này, đường bay Đà Nẵng – Ahmedabab chính thức được công bố sẽ tiếp tục mở rộng dư địa để du lịch Việt Nam-Ấn Độ cất cánh.
“Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với động lực chính là người dân và lãnh đạo giàu khát vọng. Ấn Độ đang hướng tới trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, để làm được điều đó, Ấn Độ rất cần tìm ra các đối tác đáng tin cậy, chia sẻ được những chí hướng và tầm nhìn với mình như Việt Nam”, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Bharat, Ấn Độ Naresh Pachisia khẳng định.
Chia sẻ chiến lược, tiếp cận tương đồng
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này còn là cơ hội để hai nước tăng cường chia sẻ về các vấn đề an ninh, chiến lược ở khu vực, quốc tế và khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương cùng quan tâm.
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu chính sách tại Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ. Qua đó, truyền đi những thông điệp chính sách quan trọng của Việt Nam cũng như cách tiếp cận của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trong nhiều dịp, lãnh đạo Ấn Độ đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ; nhất trí tăng cường hợp tác Mekong – sông Hằng. Lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, cùng thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Ấn Độ phát triển hơn nữa.
Đối với vấn đề Biển Đông, tinh thần xuyên suốt của lãnh đạo hai nước là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp hoặc leo thang xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Ấn Độ và Việt Nam đều có những tương đồng trong tiếp cận các vấn đề quốc tế. Cả hai bên đều tin tưởng rằng chủ nghĩa đa phương nòng cốt là Liên hợp quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng hợp tác để tìm ra lời giải cho những bài toán chung toàn cầu.
Như vậy, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm trọn vẹn những thông điệp về Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, ở đó tin cậy chính trị được củng cố, các tiềm năng hợp tác trong mọi lĩnh vực được khai mở và cất cánh.
Nguồn tin: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ: ‘Thắp sáng’ tiềm năng hợp tác (baoquocte.vn)