Hôm nay 4/11, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2024-2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2024-2025, Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Hôm nay 4/11, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024-2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các vị Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành một phiên họp.

Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về các nội dung:

(i) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.

(ii) Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(iii) Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(iv) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Nhiều lĩnh vực mới nổi chưa bắt kịp thế giới

Về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Báo cáo, Ủy ban Kinh tế cũng có Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến.

Về cơ bản, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế – xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 – 7%; được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng dưới 4,5%, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao. Tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến phù hợp với thị trường thế giới.

Thu ngân sách ước tăng 10,1% so với dự toán. Nông lâm thủy sản duy trì đà tăng khá, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, dịch vụ ước tăng 7%; xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao; vốn FDI thực hiện ước tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay…

Kết cấu hạ tầng giao thông, điện có bước đột phá mới (đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường cao tốc; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công).

Đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực lạm phát, nợ xấu tăng, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn; quản lý thị trường vàng còn bất cập.

Đặt biệt sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang các thị trường lớn gặp một số khó khăn, rào cản kỹ thuật, điều tra chống bán phá giá; xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Thể chế pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ; công tác thực thi có nơi, có chỗ chưa thống nhất; các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… chưa chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp so với thế giới.

Ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão lũ, ngập úng, sạt lở đất… vẫn là thách thức lớn. An ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng, an ninh mạng… còn nhiều phức tạp.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức nên cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó, đặc biệt là tình hình kinh tế chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định; trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức.

Các ý kiến thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 như Chính phủ trình.

Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất

Về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, chưa xác định đầy đủ, chính xác nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, cần phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, nhất là sau đại dịch Covid 19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng… với quy mô sử dụng đất lớn, làm tăng nhu cầu sử dụng một số loại đất tại các địa phương có dự án so với chỉ tiêu đã được phân bổ.

Về dự kiến các nội dung điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu bao gồm: Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); Không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và các địa phương, trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Chính phủ đề xuất nội dung Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau: “Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025” và đưa thành một nội dung tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nguồn tin: Hôm nay 4/11, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2024-2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Trả lời