Hội thảo phát triển nền kinh tế bạc: cơ hội và thách thức

Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu quan trọng đang tái định hình cơ cấu dân số của các quốc gia trên toàn thế giới. Sự thay đổi đáng kể này trong cấu trúc tuổi của dân số là kết quả của việc giảm tỷ lệ sinh và tăng tuổi thọ. Ngày nay, tuổi thọ kỳ vọng khi sinh đã vượt quá ngưỡng 75 năm ở một nửa số quốc gia hoặc khu vực trên thế giới, cao hơn 25 năm so với chỉ số này của những người sinh ra vào năm 1950.  Đến năm 2030, số người cao tuổi trên toàn cầu dự kiến sẽ vượt qua số thanh niên và gấp đôi số trẻ em dưới năm tuổi. Sự gia tăng này được dự đoán sẽ diễn ra nhanh nhất ở các nước đang phát triển.

Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn, khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040, thậm chí sớm hơn. Theo Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm để chuyển từ già hóa sang xã hội già vào năm 2036. Khoảng thời gian này ngắn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản. Giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ là 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069 và Việt Nam sẽ chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Sự già hóa dân số và nhu cầu đặc thù của người cao tuổi là cơ sở nền tảng của sự phát triển nền kinh tế bạc, thúc đẩy hình thành trụ cột mới phát triển kinh tế chất lượng cao nhằm duy trì, giảm bớt gánh nặng kinh tế dành cho người cao tuổi, thúc đẩy sự hài hòa và ổn định xã hội; đồng thời, là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao.

Nền kinh tế bạc ngày càng được quan tâm ở các quốc gia. Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị khoảng 15 nghìn tỷ USD. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số tăng nhanh ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP. Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số… Ở nhiều nơi, nền kinh tế bạc còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, tạo việc làm trong các lĩnh vực.

Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, để chủ động, thích ứng trước xu thế phát triển tất yếu của cơ cấu nhân khẩu học, Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc. Bằng cách định hình lại quá trình già hóa và coi người cao tuổi không chỉ là đối tượng cần được hỗ trợ và chăm sóc, mà họ cũng chính là một nguồn lực lớn, tiềm năng quý giá góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

Từ thực tiễn của xu thế chuyển dịch già hoá dân số nói trên đặt ra những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển tổng thể, bền vững của nền kinh tế trong tương lai, một nền “kinh tế bạc” thì Việt Nam cần làm những gì để đón đầu những cơ hội cũng như chủ động trước những thách thức đang và sẽ đặt ra là lý do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp cùng Công ty CP ĐTTM và Truyền thông Newstar, Công ty TNHH Truyền thông thương mại và Du lịch TNG tổ chức chương trình hội thảo “Phát triển nền kinh tế bạc – Cơ hội và thách thức” dự kiến vào tháng 01/2025 tại Hà Nội.

Các chuyên đề chính của hội thảo chủ yếu xoay quanh các vấn đề về cơ hội và thách để phát triển nền kinh tế thích ứng với sự chuyển dịch của dân số già hoá, trong đó chia ra hai phần chính là Cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra những nhận định về hiện trạng của vấn đề cũng như có các kiến nghị, giải pháp để Việt Nam chủ động và nắm bắt được các cơ hội đón đầu xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế trong tương lai gần. Trong các chủ đề có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà phân tích, các tổ chức hữu quan và các doanh nhân, doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ hướng đến đối tượng mục tiêu cũng như đón đầu làn sóng đầu tư mới.

Hội thảo cũng sẽ là nơi doanh nghiệp tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng như: dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thể chất, tinh thần; nhóm thực phẩm và dinh dưỡng; nhóm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông minh, tiện ích; nhóm dịch vụ tài chính, bảo hiểm; nhóm bất động sản (nhà ở chuyên biệt, các trung tâm chăm sóc dài hạn, cơ sở dưỡng lão và các khu nghỉ dưỡng thân thiện với người cao tuổi); và nhóm các sản phẩm, dịch vụ tiện ích khác.

Trọng Nguyễn – TNG Media & Travel

Trả lời