Bất động sản: Chung cư không còn sốt nóng, ‘soi’ bảng giá đất mới nhất tại Hà Nội, bãi bỏ 5 văn bản liên quan việc cấp sổ đỏ

Thị trường địa ốc Thủ đô hạ nhiệt, Hà Nội ban hành bảng giá đất mới, bãi bỏ 5 văn bản liên quan việc cấp sổ đỏ… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản. (Ảnh: Linh An)
Theo chuyên gia bất động sản, để hạ nhiệt giá nhà cần giải quyết được bài toán chênh lệch cung-cầu của thị trường. Thực tế cho thấy, thị trường căn hộ tại Hà Nội đang dần giải “cơn khát” thiếu hụt nguồn cung nhà ở. (Ảnh: Linh An)

Giá nhà đất Hà Nội diễn biến gây sốc

Sau đà tăng giá liên tiếp trong thời gian dài, nhà đất Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại. Tại một số khu vực, dự án xuất hiện những thông tin rao bán giảm hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài ngày.

Khảo sát trên một số trang rao bán BĐS có thể thấy giá chung cư tháng 11, 12 ở Hà Nội bắt đầu có xu hướng giảm.

Như căn hộ ở một chung cư tại quận Nam Từ Liêm, hồi tháng 10 rao bán phổ biến khoảng gần 63 triệu đồng/m2 thì đến tháng 11 giảm xuống còn khoảng gần 61 triệu đồng/m2.

Hay một chung cư tại quận Long Biên, hiện giá rao bán dao động từ 50-60 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm tháng 10 có giá trung bình 55-65 triệu đồng/m2.

Theo lãnh đạo một sàn giao dịch BĐS tại Hà Đông (Hà Nội), gần 2 tháng qua, giá BĐS tại Hà Nội đã có sự điều chỉnh, trong đó xu hướng giảm giá đang ngày càng phổ biến.

Nhìn nhận việc giảm thanh khoản chung cư Hà Nội, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property, cho rằng, thời gian qua, giá căn hộ chung cư chỉ nóng cục bộ tại Hà Nội do chênh lệch giữa cung và cầu. Đến nay, giá chung cư Hà Nội đã vượt đỉnh, khiến nhiều người tạm dừng kế hoạch mua nhà nên thanh khoản thời gian qua rất ít.

Chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, 2024 là năm mà phân khúc chung cư Hà Nội chứng kiến sự tăng giá quá nhanh. Giá căn hộ tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp, đến những dự án cũ cũng không ngoại lệ. Thời điểm sốt nóng, giá còn tăng theo ngày, theo tuần. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, thời gian tới đà tăng giá chung cư chững lại, thị trường có xu hướng ổn định hơn, không còn tình trạng “sốt nóng”.

Đồng quan điểm, ông Toản dự đoán, giá chung cư sẽ khó tăng tiếp. Nhưng theo vị này, sẽ rất khó để giá chung cư giảm ngay.

Theo chuyên gia BĐS, để hạ nhiệt giá nhà cần giải quyết được bài toán chênh lệch cung-cầu của thị trường. Thực tế cho thấy, thị trường căn hộ tại Hà Nội đang dần giải “cơn khát” thiếu hụt nguồn cung nhà ở.

Đặc biệt, thị trường nhà ở giá rẻ tại Hà Nội đang có những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án nhà ở xã hội được khởi công, cấp phép sau một thời gian dài Thủ đô không có thêm dự án nhà xã hội nào triển khai thêm.

Mới đây, một dự án nhà ở xã hội với hơn 460 căn hộ tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh được khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2026.

Đầu tháng này, một dự án nhà ở xã hội khác thuộc khu đô mới Hạ Đình (Thanh Trì) được triển khai thi công. Theo quy hoạch, khu nhà xã hội này sẽ có 440 căn hộ với tòa nhà cao 25 tầng. Công trình dự kiến thi công trong 30 tháng.

Trước đó, hồi cuối tháng 11, chung cư CT1 với gần 600 căn thuộc khu nhà xã hội tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên đã được cấp giấy phép xây dựng.

Hà Nội có bảng giá đất mới

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 30 năm 2019 (Quyết định số 30, bảng giá đất Hà Nội được áp dụng từ năm 2020 đến ngày 31/12/2024). Với quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và có hiệu lực áp dụng đến ngày 31/12/2025.

Điểm nhấn quan trọng trong Quyết định số 71 là việc Hà Nội bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách.

Theo quy định mới, vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.

Cụ thể: Vị trí 1, áp dụng với thửa đất có mặt giáp với đường, phố được ghi trong bảng giá đất.

Vị trí 2, áp dụng với đất tiếp giáp ngõ có mặt cắt từ 3,5m trở lên.

Vị trí 3 là đất giáp ngõ có mặt cắt từ 2m đến dưới 3,5m.

Vị trí 4 là đất giáp ngõ có mặt cắt dưới 2m.

Đối với các thửa đất xa đường, phố, bảng giá quy định mức giảm giá theo khoảng cách. Từ 200-300m, giảm 5%; từ 300-400m, giảm 10%; từ 400-500m, giảm 15%; từ 500m trở lên, giảm 20%.

Có thể thấy, việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm mức giá phù hợp với điều kiện thực tế sử dụng đất và giá trị kinh tế, tránh tình trạng định giá cao cho các thửa đất ở xa khu vực trung tâm.

Quyết định cũng đưa ra các phân lớp giá đất theo chiều sâu thửa đất. Theo đó, từ chỉ giới hè đường, ngõ đến 100m, áp dụng 100% giá đất theo quy định; từ 100-200m, giảm 10%; từ 200-300m, giảm 20%; từ 300m trở lên, giảm 30%.

So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh cao gấp 2-6 lần. Trong đó, giá đất cao nhất của thành phố thuộc về quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2. Mức giá này tương ứng với đất ở, vị trí 1, gồm các đường Lê Thái Tổ, đường Hàng Ngang, đường Hàng Đào gấp 3,7 lần bảng giá đất cũ (187,9 triệu đồng/m2).

Đường Trần Hưng Đạo (từ Trần Thánh Tông- Lê Duẩn) trước đó có giá đất cao nhất là 114 triệu đồng/m2 nay tăng lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 6 lần.

Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2, gấp 5,5 lần. Đất ở đường Hai Bà Trưng (từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ) cũng có giá cao nhất 695,3 triệu đồng/m2.

Bảng giá đất cao nhất tại quận Ba Đình là 450,8 triệu đồng/m2 trên đường Phan Đình Phùng…

Bảng giá đất nông nghiệp trong khu dân cư cũng được bổ sung quy định linh hoạt.

Cụ thể, giá đất nông nghiệp trong khu dân cư có thể cao hơn giá đất nông nghiệp ngoài khu dân cư, nhưng không vượt quá 50% giá đất nông nghiệp tương ứng tại các khu vực khác.

Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ tại nông thôn, bảng giá đất được chi tiết hóa theo từng xã và khu vực. Đáng chú ý, các thửa đất nằm ngoài phạm vi 200m từ các tuyến đường phố có tên trong bảng giá sẽ áp dụng mức giá giảm tương ứng với quy định về khoảng cách.

Quyết định số 71 có hiệu lực từ ngày 20/12/2024.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành, giá đất tại bảng giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính, thuế và các khoản thu ngân sách từ đất đai được thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.

Thành phố Hồ Chí Minh: Thu hơn 17.000 tỷ đồng từ đất đai

Thông tin trên được UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021, tổng nguồn thu từ đất đai ở Thành phố đạt 22.094,4 tỷ đồng. Trong đó có tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản chuyển nhượng BĐS, lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí thẩm định hồ sơ. Năm 2022, nguồn thu tăng mạnh lên 30.125,8 tỷ đồng nhờ thị trường BĐS phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, năm 2023, nguồn thu từ đất giảm còn 15.011,1 tỷ đồng do thị trường chững lại.

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu 17.009 tỷ đồng. “Điều này cho thấy dấu hiệu khôi phục và tăng trưởng của thị trường”, báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn Thành phố còn gặp nhiều khó khăn như công việc triển khai chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách. Cùng đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực nhưng cần thời gian để vận dụng vào thực tiễn, tham mưu các quy định, hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, các thủ tục triển khai liên quan đến đất đai còn chậm, quy hoạch chung, quy hoạch đô thị điều chỉnh chưa được phê duyệt kịp thời…

Trong thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện đề án Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, trong giai đoạn 2025 – 2030 tập trung các công tác rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, thực hiện số hóa tài liệu lưu trữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin đất đai, đồng bộ dữ liệu…

Bên cạnh đó, chỉ đạo cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân.

Thành phố cũng sẽ thực hiện đổi mới hình thức công khai thủ tục hành chính, sơ đồ hóa quy trình các bước thực hiện để tổ chức, công dân dễ tiếp cận đối với các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, môi trường; Công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch và tăng cường công tác quản lý quy hoạch…

Từ ngày 1/1/2025, bãi bỏ 5 văn bản liên quan việc cấp “sổ đỏ”

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 20 bãi bỏ toàn bộ 28 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, trong đó có 05 văn bản liên quan việc cấp “sổ đỏ”.

Cụ thể như sau:

Bãi bỏ Thông tư 09/2006/TT-BTNMT hướng dẫn việc chuyển hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần.

Bãi bỏ Thông tư 09/2011/TT-BTNMT quy định đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước về đo đạc đất đai phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bãi bỏ Thông tư 30/2013/TT-BTNMT quy định thực hiện lồng ghép việc đo đạc lập hoặc chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính.

Bãi bỏ Thông tư 07/2015/TT-BTNMT quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công ty nông, lâm nghiệp.

Bãi bỏ Thông tư 14/2017/TT-BTNMT quy định về Định mức kinh tế – kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thông tư 20 cũng bãi bỏ một phần 3 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư 20 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Nguồn tin: Bất động sản: Chung cư không còn sốt nóng, ‘soi’ bảng giá đất mới nhất tại Hà Nội, bãi bỏ 5 văn bản liên quan việc cấp sổ đỏ

Trả lời