Đất nền đường Vành đai 4 ‘nổi sóng’
Vào cuối tháng 6/2023, đường Vành đai 4 – một tuyến đường huyết mạch, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thủ đô và các vùng lân cận chính thức được khởi công. Sự kiện này đã tạo nên các “cơn sốt” nhẹ đất nền Vành đai 4 khi đó.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn với các môi giới địa phương ghi nhận lượng nhà đầu tư tìm hiểu đất nền vành đai 4 thời điểm quý cuối cùng của năm 2024 có xu hướng tăng khoảng 30% so với các quý trước đó. Tại các khu vực có đường vành đai 4 đi qua như Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Đan Phượng, tùy từng khu vực, lượng giao dịch cũng tăng từ 10-20% so với các tháng của quý 3/2024. Trên thực tế, dòng tiền đầu tư thường có xu hướng dồi dào hơn vào cuối năm. Giới đầu tư có tài chính nhàn rỗi đang khởi động kế hoạch săn hàng nên thị trường đất nền vành đai 4 cũng đang trở nên sôi nổi hơn.
Việc nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu thị trường đất nền vành đai 4 tăng trưởng thời điểm cuối năm, cùng những biến động mới của thị trường đã khiến giá đất nền vành đai 4 có xu hướng đi lên.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, so với nửa năm trước, khu vực đất nền Mê Linh thuộc một số khu vực như đô thị như Hà Phong, Cienco 5… đã tăng từ mức 45-55 triệu đồng/m2 lên mức 55-64 triệu đồng/m2. Với đất nền Đan Phượng, đất nền vị trí mặt đường Tân Lập, giá cũng tăng từ mức 48-55 triệu đồng/m2 lên mức 54-65 triệu đồng/m2; đất nền mặt đường Tân Hội thuộc Đan Phượng, giá chào bán đang ở mức 55-66 triệu đồng/m2, tăng 2-5 triệu đồng/m2 so với 5 tháng trước đó.
Cùng biên độ thời gian, đất nền khu vực Hà Đông, khu vực Yên Nghĩa nơi có đường vành đai 4 đi qua, giá chào bán đã tăng từ mức 58-64 triệu đồng/m2 lên mức 63-72 triệu đồng/m2. Khu vực Bắc Vọng, Bắc Phú thuộc đất nền Sóc Sơn, nơi có đường vành đai 4 đi qua là, giá bán đã tăng từ mức 11-17 triệu đồng/m2 lên 15-24 triệu đồng/m2. Đất nền Thanh Oai, khu vực gần đường vành đai 4 giá chào bán cũng tăng từ mức trung bình 55-60 triệu đồng/m2 là mức 58-65 triệu đồng/m2 so với tháng 5/2024.
Giá đền bù đất đường Vành đai 2 TPHCM
Chiều 28/10, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội nghị công bố dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 2 đoạn dự án thành phần phục vụ đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 TPHCM qua địa bàn TP Thủ Đức.
Hai đoạn dự án gồm: đoạn 1, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài hơn 3,5 km và đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài gần 2,5 km. Phạm vi có 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi khoảng 61ha, tổng số vốn bồi thường, hỗ trợ khoảng 7.600 tỷ đồng.
Đến nay, đơn vị tư vấn độc lập đã đề xuất hơn 122 vị trí giá đất trong dự án, được các phòng, ban chuyên môn của UBND TP Thủ Đức, Hội đồng bồi thường của dự án xem xét đánh giá…
Dự thảo giá đất của TP Thủ Đức đưa ra sẽ cao hơn so với bảng giá đất TPHCM công bố, nhiều vị trí cao hơn từ 30-97%, trung bình là 50%. Trong đó, giá đền bù đất ở (đất thổ cư) có mức cao nhất hơn 111 triệu đồng/m2 tại mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Vị trí trong hẻm tuyến đường này cũng dao động từ 46,9 đến 78,5 triệu đồng/m2.
Các tuyến đường chính như Kha Vạn Cân, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Bá và Đặng Văn Bi có giá đất ở bồi thường trên 100 triệu đồng/m2.
Khu vực có mức giá đền bù thấp nhất là hơn 26 triệu đồng/m2 là các hẻm nhỏ như đường 22 (phường Phước Long B) và hẻm đường 147 (phường Phước Long B và Tăng Nhơn Phú).
Đối với đất nông nghiệp, mức bồi thường cao nhất là hơn 9,4 triệu đồng/m2 cho đất trồng cây lâu năm tại các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, song hành Xa lộ Hà Nội, Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Bi và Nguyễn Văn Bá.
Đối với đất trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản tại các tuyến này, giá đền bù hơn 7,78 triệu đồng mỗi m2.
Giá thấp nhất cho đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là hơn 6,7 triệu đồng/m2, áp dụng cho các vị trí không tiếp giáp các đường số 2, số 8 và số 11, trong khi mức thấp nhất cho đất trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản tại đây là hơn 6,4 triệu đồng mỗi m2.
Theo UBND TP Thủ Đức, giá đất trên chưa bao gồm vật kiến trúc, công trình xây dựng và cơ bản phù hợp với giá thị trường.
Dự thảo phương án bồi thường sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các phường và các ban điều hành khu phố thuộc phạm vi dự án từ ngày 28/10 đến ngày 27/11.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, thành phố đặt lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên trên hết.
Ông đề nghị các phường lắng nghe ý kiến góp ý, ghi nhận thêm nguyện vọng của người dân trong dự án, dựa trên nhu cầu người dân để thực hiện bố trí phù hợp nhu cầu sinh sống, làm việc. Từ đó, TP cũng sẽ hỗ trợ người dân trong làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy trình hoàn công…
“Cố gắng giải ngân tiền bồi thường vào đầu tháng 12/2024, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án vào tháng 6/2025′, ông Tùng nhấn mạnh.
Hà Nội đề xuất giá thuê nhà ở xã hội
Mức giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến thấp nhất 48.000 đồng/m2/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m2/tháng đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến.
Cụ thể, theo dự thảo quyết định khung giá dịch vụ nhà chung cư và giá thuê nhà ở xã hội do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã bỏ vốn đầu tư, TP Hà Nội đề xuất, mức cao nhất áp dụng cho tòa nhà xã hội cao trên 30 tầng với giá thuê 198.000 đồng/m2/tháng.
Mức thấp nhất cho tòa nhà dưới 10 tầng với giá cho thuê tối thiểu 48.000 đồng/m2/tháng.
Với mức giá trên, theo Nghị định 100 quy định tiêu chuẩn diện tích sàn sử dụng mỗi căn nhà xã hội trong dự án tối đa 70m2, tối thiểu 25m2 thì giá thuê nhà xã hội cao nhất áp dụng với căn 70m2 trong tòa nhà trên 30 tầng là gần 14 triệu đồng/tháng/căn.
Giá thuê thấp nhất áp dụng với căn 25m2 trong tòa nhà dưới 10 tầng tương đương 1,2 triệu đồng/tháng/căn.
Dự thảo nêu, mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; chi phí bảo trì công trình; giá dịch vụ quản lý vận hành; chi phí mua sắm trang thiết bị nội thất, đồ dùng sinh hoạt trong nhà ở xã hội; chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ; chi phí trông giữ xe; nước sinh hoạt; dịch vụ truyền hình, thù lao cho ban quản trị và chi phí dịch vụ khác…
UBND TP Hà Nội cho biết, khung giá cho thuê nhà ở xã hội ở trên không áp dụng đối với các trường hợp nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, nhà ở xã hội được sử dụng làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước cho lực lượng vũ trang nhân dân (nếu có) và dự án đã thống nhất về giá thuê giữa các bên cho thuê và thuê nhà ở xã hội.
Hiện nay, việc xác định giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội được thực hiện theo quyết định 25 năm 2019.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ thẩm định giá thuê, thuê mua nhà xã hội và trình Sở Xây dựng. Sau khi được duyệt, chủ đầu tư sẽ ban hành giá bán, cho thuê, thuê mua theo nguyên tắc không cao hơn mức giá do Sở thẩm định.
Như tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), giá cho thuê khoảng 99.000 đồng/m2/tháng (đã gồm VAT và phí bảo trì).
Bình Định: Điều chỉnh dự án đầu tư khu du lịch hơn 2.200 tỷ đồng
Dự án Điểm số 2 (2-2), Khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến sẽ được điều chỉnh với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định vừa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Điểm số 2 (2-2), Khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến nằm tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát (thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội).
Theo đó, dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 2.215,57 tỷ đồng với quy mô tổng diện tích đất dự kiến sử dụng 40,21ha. Trong đó, cơ cấu sử dụng đất gồm: Đất dịch vụ du lịch hơn 14,44ha; đất cây xanh là 15,33ha; Đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật gần 5,6ha; Đất bãi biển, mặt nước (không giao, không cho thuê) hơn 4,84ha.
Mục tiêu dự án là đầu tư khu du lịch theo quy hoạch được phê duyệt với các hạng mục công trình như: Khu khách sạn, khu biệt thự nghỉ du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, Quảng trường, công trình dịch vụ thương mại (nhà hàng, quầy lưu niệm, karaoke, kinh doanh tổng hợp), bể bơi, công viên biển công cộng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày có quyết định cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tiến độ thực hiện dự án không quá 60 tháng kể từ ngày có Quyết định cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trong đó, tiến độ hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư không quá 12 tháng). Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Trước đó, vào tháng 10/2023 Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Điểm số 2 (2-2) Khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư. Tổng diện tích dự kiến sử dụng đối với Dự án Điểm số 2 (2-2) khoảng 40ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.563 tỷ đồng.
Xây dựng lại nhà chung cư, người dân đóng góp thế nào?
Điều 42 Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định về nguyên tắc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư như sau.
1. Chủ sở hữu nhà chung cư không thuộc trường hợp nhà chung cư cũ quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật Nhà ở phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư mới theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Đối với phần diện tích căn hộ trong nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư đóng góp kinh phí theo diện tích sử dụng căn hộ chung cư mới được tái định cư nêu trong phương án bồi thường, tái định cư nhân (x) giá nhà ở xây dựng mới được tính trên tổng mức đầu tư của dự án do các bên thỏa thuận tại thời điểm lập phương án bồi thường, tái định cư;
b) Đối với phần diện tích khác không phải là căn hộ thì các chủ sở hữu đóng góp kinh phí theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản này để tiếp tục mục tiêu kinh doanh dịch vụ, thương mại theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt.
3. Trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư hoặc phần diện tích khác không phải căn hộ nếu không đóng góp kinh phí theo quy định tại khoản 2 Điều này thì được bồi thường theo quy định tại Điều 44 của Nghị định này.
Khoản 10 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định về giải thích từ ngữ như sau:
10. Nhà ở cũ là nhà ở được đầu tư xây dựng từ năm 1994 trở về trước, bao gồm cả nhà chung cư.
Như vậy, chủ sở hữu nhà chung cư không thuộc trường hợp nhà chung cư cũ là nhà ở được đầu tư xây dựng từ năm 1994 trở về trước là đối tượng phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư. Nguyên tắc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo các quy định được trích dẫn ở trên.