Căng thẳng Mỹ-Trung: Washington tự tin chiếm thế thượng phong, Bắc Kinh nhìn tới đối tác ‘khủng’, ông Trump có vô tình tác hợp cho liên kết khổng lồ?

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đã lên tới đỉnh điểm mới khi Washington tuyên bố bắt đầu đánh thuế 104% đối với hàng hóa từ quốc gia Đông Bắc Á từ ngày 9/4, sau khi Bắc Kinh bỏ qua hạn chót của Tổng thống Donald Trump về việc dỡ bỏ các biện pháp đáp trả.
Căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề thuế quan đang leo thang. (Nguồn: Shutterstock)
Ngày 8/4, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Squawk Box của CNBC, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho rằng, Mỹ đang nắm thế thượng phong trong “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc và gọi hành động trả đũa của Bắc Kinh là một “sai lầm”.

Ông Bessent nói: “Chúng ta mất gì khi Trung Quốc tăng thuế đối với Mỹ? Mỹ xuất khẩu cho họ 1/5 những gì họ xuất khẩu cho chúng ta, vì vậy đó là một ván bài thua đối với họ”.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc là 295,4 tỷ USD vào năm 2024, tăng 5,8% (16,3 tỷ USD) so với năm 2023.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng nổ hôm 2/4, khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó, Trung Quốc chịu thuế 34%. Ông chủ Nhà Trắng cũng ký sắc lệnh áp thuế 25% lên ô tô, xe tải nhẹ và phụ tùng ô tô sản xuất ở nước ngoài, cho rằng biện pháp này cần thiết để bảo vệ “an ninh quốc gia”.

Ngày 4/4, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo “trả đũa” – áp thêm thuế 34% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Đáp lại, ngày 7/4, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thêm 50%, có hiệu lực từ ngày 9/4, trừ khi Bắc Kinh hủy bỏ thuế trả đũa trước ngày 8/4.

Về phía Trung Quốc, trong ngày 8/4, người phát ngôn Đại sứ quán nước này tại Ấn Độ Yu Jing cho rằng, New Delhi và Bắc Kinh, nên hợp tác để giải quyết những thách thức phát sinh từ các biện pháp thuế quan do Mỹ áp đặt dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Trên mạng X, bà Yu Jing nêu rõ: “Mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Ấn Độ dựa trên sự bổ sung và cùng có lợi. Đối mặt với việc Mỹ lạm dụng thuế quan… hai quốc gia đang phát triển lớn nhất nên cùng nhau để vượt qua khó khăn”.

Gọi các hành động áp thuế của Mỹ là vi phạm quyền phát triển, đặc biệt là đối với Nam Bán cầu, bà Yu Jing nhắc lại nhu cầu cùng nhau phản đối chủ nghĩa bảo hộ: “Các cuộc chiến thương mại và thuế quan không có bên nào chiến thắng. Tất cả các quốc gia nên duy trì các nguyên tắc tham vấn rộng rãi, thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự, cùng nhau phản đối mọi hình thức chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”.

Theo bà, nền kinh tế Trung Quốc được một hệ thống bảo đảm tăng trưởng ổn định hỗ trợ, tạo ra sự lan tỏa tích cực. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc được xây dựng trên một hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và liên tục nâng cấp, đầu tư bền vững vào Nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như tập trung mạnh mẽ vào đổi mới.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định, quốc gia Đông Bắc Á này là nước bảo vệ vững chắc cho toàn cầu hóa kinh tế và chủ nghĩa đa phương, đã truyền động lực mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, đóng góp khoảng 30% tăng trưởng toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với phần còn lại của thế giới để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là cốt lõi”, bà Yu Jing khẳng định.

Nguồn tin: Căng thẳng Mỹ-Trung: Washington tự tin chiếm thế thượng phong, Bắc Kinh nhìn tới đối tác “khủng”, ông Trump có vô tình tác hợp cho liên kết khổng lồ?

Trả lời