Chính phủ yêu cầu ngân hàng nhà nước làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng

DNVN – Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng.

Phát biểu tại cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023, chiều 30/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14%.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi Thống đốc NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại.

Qua đó, có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1/12/2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, “tín dụng phải là một dòng chảy liên tục”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu NHNN báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng. Đề nghị các bộ ngành, ngân hàng thương mại góp ý cụ thể, đề xuất các biện pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới theo mục tiêu đề ra cho thời gian còn lại của năm 2023 và năm 2024.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các tổ chức tín dụng. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn (khoảng 6,2% tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế).

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng: Tiên phong, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank,… cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.

Từ nay tới cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, rà soát lại các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN nghiên cứu các ý kiến phát biểu của ngân hàng thương mại để phát huy những ưu điểm, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để điều hành tín dụng tốt hơn trong thời gian tới.

“NHNN cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, “xem lại” các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn tin: Chính phủ yêu cầu ngân hàng nhà nước làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng – Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn)

Trả lời