Tối 25/1, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng chính thức công bố ra mắt sản phẩm Thẻ tín dụng nội địa và Thẻ trả trước nội địa.
Sự kiện ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay gồm Thẻ ghi nợ, Thẻ tín dụng và Thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất.
Có 7 ngân hàng công bố sản phẩm lần này gồm Vietinbank, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VCCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), HDBank, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BVB), Ngân hàng TMCP Thương tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Vietbank.
Lãnh đạo NHNN, các ngân hàng và trung gian thanh toán tại Lễ ra mắt. Ảnh:VGP/HT. |
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, vai trò của đơn vị là cung cấp cho ngân hàng, đối tác những giải pháp về phát hành và thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực thẻ thanh toán nhằm hoàn thiện hệ sinh thái thẻ nội địa cung cấp sản phẩm thanh toán đơn giản, thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi khách hàng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tài chính đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện.
“Chúng tôi tin tưởng rằng được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách và hành lang pháp lý từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, với sự ủng hộ và tham gia tích cực của các ngân hàng, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành được sứ mệnh của mình”, lãnh đạo NAPAS nói.
Tại buổi lễ ra mắt, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, ngày 7/1/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Trong đó, có nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, có sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt nam phát hành với những đặc điểm: Chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày; được chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng; chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng, đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh TTKDTM; giúp khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với mức phí hợp lý; góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đầy lùi tín dụng đen.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ đã làm đa dạng về sản phẩm, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán góp phần xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia.
Lãnh đạo NHNN cho biết kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của 7 ngân hàng đầu tiên vào tháng 5/2019, đến nay đã có 38 ngân hàng thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa và nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN của toàn thị trường; căn cứ kết quả đạt được của các ngân hàng, vào ngày 31/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 22/2020/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, từ ngày 31/03/2021, các ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ để chuyển sang phát hành thẻ chip đối với các thẻ có số BIN do NHNN cấp và đến 31/12/2021, 100% các máy ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng, công ty NAPAS và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện chất lượng, hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi và triển khai Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa của NHNN.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho khách hàng các thông tin về thời gian ngừng phát hành thẻ từ; quy trình, thủ tục phát hành các dòng sản phẩm của thẻ chip nội địa. Sớm xây dựng và triển khai chính sách phí dịch vụ phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản phẩm thẻ nội địa nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng.
Thứ hai, tích cực triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo tiêu chuẩn chung do NHNN ban hành và tuân thủ lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip nội địa của NHNN
Thứ ba, tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, trong đó chú trọng phát triển thẻ tín dụng nội địa như là giải pháp quan trọng mang lại tiện ích cho người dùng và góp phần đẩy lùi tín dụng đen; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa.
Thứ tư, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán trên nền tảng công nghệ thẻ Chip nội địa để phát triển các sản phẩm thẻ chip đa ứng dụng, liên thông kết nối thanh toán cho dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…
Thứ năm, nghiên cứu triển khai các giải pháp TTKDTM, thanh toán thẻ tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế được hưởng những tiện ích thanh toán điện tử, đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững cho nền kinh tế
“Các đơn vị phải luôn chú trọng và đẩy mạnh triển khai các biện pháp an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn bảo mật để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ tấn công, xâm nhập, đánh cắp dữ liệu trên môi trường mạng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lưu ý.
Đại diện một số đơn vị tại ký kết cam kết hợp tác. Ảnh:VGP/HT |