Theo dự đoán trước đó của nhiều người, dịp Tết năm nay, nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ tăng giá do dịch bệnh và thiên tai, nên cầu sẽ cao hơn cung. Thế nhưng, những ngày gần đây, thị trường đang đi ngược với dự đoán, giá rau củ giảm mạnh, còn giá thịt lợn thương phẩm đã giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với trước đó 1 tháng.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, hôm nay (8/2), chỉ còn 1 ngày nữa là người dân cả nước bước vào tuần nghỉ lễ Tết, song nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn vắng khách, khiến cho nhiều mặt hàng thực phẩm giảm giá mạnh.
Rau củ giảm giá mạnh trung bình 10.000 đồng/kg.
Thịt lợn “hạ nhiệt”
Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận Thanh Xuân, Tây Hồ…, giá thịt lợn bán ra ở mức 130.000 – 160.000 đồng/kg, thấp hơn tuần trước từ 3.000 – 15.000 đồng/kg.
Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 150.000 đồng/kg, sườn non 160.000 đồng/kg, nạc vai 140.000 đồng/kg…
Dù giá thịt lợn đang giảm từng ngày nhưng sức mua rất yếu. Chị Nguyễn Thị Hiền (tiểu thương chợ dân sinh Đại Từ) cho biết, do sức mua rất yếu, nên mấy ngày nay hầu hết các tiểu thương trong chợ ngày nào cũng phải “bán tháo” để cắt lỗ.
Theo chị Hiền: “Giá thịt móc hàm tại chợ đầu mối hôm nay tiếp tục giảm thêm 5.000 đồng/kg nên chúng tôi bán giảm theo. Nhưng chợ năm nay rất chán, Như hôm qua (7/2) chỉ dám lấy 1/2 con lợn mà đến trưa vẫn còn khoảng hơn 5kg phải bán tháo với giá rẻ”.
Trong khi đó, thông tin thịt lợn giảm giá khiến cho nhiều bà nội trợ vui hơn. Chị Hồng Hương (Cầu Giấy) chia sẻ: “Tranh thủ lúc thịt lợn đang rẻ, tôi mua gần chục ký để dành chế biến món ăn ngày Tết”.
Cách đây 1 tháng, giá lợn hơi được dự báo sẽ chạm ngưỡng 90.000 đồng/kg thời điểm cận Tết, nhưng hiện nay đã rời khỏi mốc 80.000 đồng và chỉ từ 75.000 đồng/kg. Lý giải điều này, nhiều địa phương cho biết, lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường khá tốt do Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động về nguồn hàng Tết từ sớm.
Kế đến là dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ; học sinh, sinh viên nghỉ học sớm, nhiều nhà máy cũng cho công nhân nghỉ sớm đã khiến lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng: “Nguồn cung heo từ thiếu hụt chuyển sang dư thừa, đã kéo giá heo lại quay đầu giảm đáng kể và sẽ còn giảm tiếp”.
Thịt lợn dịp Tết không tăng giá như dự đoán của nhiều chuyên gia trước đó. |
Ngoài ra, theo giới thương lái, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở miền Bắc và nhiều tỉnh, thành khác, hộ chăn nuôi lo sợ đã đua nhau bán tháo lợn ra làm cho nguồn cung trở nên dư thừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng công suất, tăng đàn với số lượng “khủng” cũng góp phần giảm nhiệt giá thịt lợn ngay thời điểm Tết.
Rau củ “rẻ như cho”
Không chỉ giá thực phẩm giảm, mà giá các loại rau củ cũng giảm mạnh trong mấy ngày nay vì lượng hàng dồi dào nhưng sức mua không tăng, đặc biệt là các loại rau vụ đông như: bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, cải cúc, cải xoong…
Bà Trần Thị Hồng, kinh doanh thực phẩm tại chợ Định Công (Hà Nội) chia sẻ, rau củ thì gần như không bán được.
Cụ thể, rau bắp cải có giá 7.000 – 8.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; rau muống 6.000 đồng/mớ, giảm 2.000 đồng/mớ; xà lách 15.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; hành lá 15.000 đồng/kg, giảm còn 5.000 đồng/kg; khoai tây, cà rốt 10.000 – 12.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; bí xanh 10.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; súp lơ 7 – 10.000 đồng/cây, giảm 5.000 đồng/cây …
Các tiểu thương bày tỏ, hầu hết các loại rau, củ đều giảm giá mạnh so với tháng trước và những năm trước. Mức giảm này là do người dân đã nghỉ Tết sớm về quê “chạy” dịch Covid-19 khiến chợ vắng vẻ, sức mua yếu.
Một chủ một vườn rau tại làng Bằng (Hà Nội) cho biết, giá rau các loại tại vườn đang giảm từ 30 – 50%. Nguyên nhân là do thời điểm vụ đông xuân đang ở kỳ thu hoạch rộ, thời tiết ẩm, mưa phùn… khiến rau sinh trưởng tốt.
Bên cạnh đó, đang thời kỳ thu hoạch rộ nên số lượng rau đưa ra thị trường rất lớn và phong phú chủng loại, nhưng nhu cầu lại yếu do các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn giảm mạnh lượng tiêu thụ khi phải đóng cửa phòng dịch trong tuần qua.
Hơn nữa, nhiều nhà dân cũng đã tự trồng rau để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, trong khi các cuộc ăn uống, gặp mặt cuối năm cũng đã bị hoãn do dịch Covid-19.
Còn riêng đối với những nông dân trực tiếp trồng rau màu bán cho thương lái tại ruộng thì hết sức khó khăn. Cụ thể, đối với các loại rau màu nói trên, nông dân thu hoạch và bán cho thương lái tại ruộng chỉ có giá từ 2.000 – 4.000 đồng/kg, nhưng cũng không phải dễ bán.
Nguồn:https://thoibaokinhdoanh.vn/thi-truong/thi-truong-ha-noi-sat-tet-rau-cu-qua-re-nhu-cho-khong-ai-mua-gia-thit-lon-giam-manh-1076545.html