Đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã kiến nghị Chính phủ cho phép giãn nợ và được vay bổ sung để duy trì hoạt động và phục hồi trong thời gian tới, sau khi “liểng xiểng” bởi Covid-19.
Những kiến nghị trên được đưa ra tại diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội năm 2022” do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào chiều ngày 21-1.
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong hai năm qua dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ là những đối tượng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi tới đây.
“Từ trước đến nay đã có nhiều giải pháp từ Chính phủ, các bộ, ngành nhưng sự thụ hưởng, hấp thu từ các doanh nghiệp là thấp, chưa mang lại hiệu quả. Nó có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là các thủ tục quy định quá chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận”, bà Hường nói.
Bà Hường cho rằng, thời gian qua, chính sách trợ cấp khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động còn chưa hiệu quả như các gói 62.000 tỉ đồng, sau đó là gói 26.000 tỉ đồng. Nghị quyết 68 quy định các trường hợp được hỗ trợ nhưng người lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự thì không được hỗ trợ. Chỉ đến khi Nghị quyết 116 điều chỉnh Nghị quyết 68, người lao động được hưởng trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá hiệu quả.
Vẫn theo bà Hường, trong điều kiện bình thường các doanh nghiệp tiếp cận vốn đã khó khăn thì trong thời kỳ đại dịch, khó khăn này lại tăng lên nhiều lần. Bà đề nghị, các ngân hàng nên xây dựng chính sách đặc biệt chăm sóc cho các doanh nghiệp đang là khách hàng của mình (với điều kiện họ có phát sinh doanh thu trong 2 năm qua, hoặc các doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành nghề đang có cơ hội phục hồi tốt). Bà cũng đề xuất các ngân hàng nên cho doanh nghiệp vay tín chấp 1 tỉ đồng cho thời hạn 12 tháng.
Cũng tại sự kiện, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 2 năm qua, có trên 80% số doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh này trong tình trạng rất khó khăn và có thể rời bỏ thị trường bất cứ lúc nào. Covid-19 làm cho các doanh nghiệp này không có doanh thu, không còn vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh… vì vậy rất cần sự hỗ trợ của nhà nước.
Đại diện đến từ tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, theo thống kê, trong 2 năm từ 2020-2021, các doanh nghiệp tỉnh này bị mất khoảng 15 tháng không có doanh thu. Hiện tại, các doanh nghiệp này đều đã rất kiệt sức và mong có thể được vay vốn bổ sung để có thể trụ lại và duy trì sản xuất.
Nói về vấn đề hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vừa qua, vị này cho biết, nhiều ngân hàng tổ chức tín dụng đã hy sinh lợi ích của mình để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua có những doanh nghiệp hoạt động không liên tục và bị cơ quan thuế rút giấy phép kinh doanh… Vị này đề xuất, trong gói hỗ trợ mới nhất của Chính phủ, các tổ chức tín dụng nên đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp để có thể cho vay bổ sung. Nếu gói này được hỗ trợ đến doanh nghiệp thì khoảng 60% doanh nghiệp có thể hồi phục được.
Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiếp tục kéo giãn nợ gốc đến hết năm 2022. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ hạch toán tiền lãi còn tiền gốc sẽ thanh toán vào năm 2023 trở đi để giúp họ có sức mạnh và nguồn vốn đề tiếp tục kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp cần nguồn vốn hoặc vẫn có khả năng tiếp tục kinh doanh thì đại diện cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đề nghị các ngân hàng cho kéo giãn phần lãi suất vay. Một đề nghị khác là Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được tính lãi trên phần lãi được kéo giãn đó. Cùng đó, vị này cũng đề nghị, các ngân hàng nên cố gắng tiết kiệm chi phí, tinh giảm nhất có thể để giảm thêm từ 0,5-1% lãi suất cho doanh nghiệp.
Đại diện Đà Nẵng cũng cho rằng các ngân hàng nên xem xét cơ cấu đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp để có thể nâng hạn mức lên để các doanh nghiệp có thể vay thêm vốn. Vị này cho rằng doanh nghiệp có tồn tại được hay không thì những chính sách của nhà nước rất quan trọng. Những hỗ trợ doanh nghiệp ở thời điểm này chính là những động viên giúp họ được sự an ủi trong lúc khó khăn.
Còn chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, với các doanh nghiệp hiện giờ thì việc hạ lãi suất chưa quan trọng bằng kéo dài thời gian cho vay. Bởi hiện tại nhu cầu tiếp cận vốn với các doanh nghiệp quan trọng hơn là hạ lãi suất.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, đã có hơn 30.000 tỉ đồng đã được các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hơn 5 triệu khách hàng được thụ hưởng từ các cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Bà Sương cho biết, đối với những kiến nghị liên quan đến kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những chính sách phù hợp với doanh nghiệp. Nhưng việc giảm như thế nào, giảm nợ gốc hay giảm lãi suất thì đây là việc riêng giữa các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp.
Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ giãn lãi suất vay cho các doanh nghiệp, theo bà Sương, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo chung cho các ngân hàng. Còn việc cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian nợ, giảm lãi suất các khoản nợ sẽ được triển khai phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. Lãi suất giảm như thế nào, giảm lãi đối với nợ gốc hay giảm đối với phần lãi thì hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Các ngân hàng sẽ đánh giá được mức độ của doanh nghiệp và khả năng phục hồi sản xuất của họ và sẽ có những chính sách cụ thể.
“Doanh nghiệp muốn vay ngân hàng thì cần phải đổi mới, kiện toàn, tăng cường năng lực tài chính. Đủ điều kiện thì ngân hàng sẽ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp,” bà Sương nói.
Cùng đó, bà Sương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương làm thế nào để sử dụng, phát triển Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp khi các doanh nghiệp vẫn chưa có đủ khả năng cũng như tài sản đảm bảo.
Ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua đã có nhiều chính sách đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên việc hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời… Ông Nam cho biết các ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp sẽ được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phân tích, đánh giá, tổng hợp và đề đạt lên diễn đàn quốc hội.