Giá vàng hôm nay 27/5/2024: Giá vàng ‘lao dốc’, SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng, tìm thấy nguyên nhân vàng thế giới ‘tăng bền vững’

Giá vàng hôm nay 27/5/2024, vừa chốt một tuần giao dịch ảm đạm và giá hạ liên tiếp. Nhưng tính chung từ đầu năm, không chỉ giá vàng trong nước tăng mạnh, thế giới cũng tăng tới 14%. Các chuyên gia chỉ rõ, giá vàng có lý do để “tăng bền vững”.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 27/5 và TỶ GIÁ HÔM NAY 27/5

 

1. SJC – Cập nhật: 27/05/2024 08:27 – Thời gian website nguồn cung cấp – / So với ngày hôm qua.
Loại Mua vào Bán ra
SJC 1L, 10L, 1KG 87,600 ▲100K 89,600 ▲100K
SJC 5c 87,600 ▲100K 89,620 ▲100K
SJC 2c, 1C, 5 phân 87,600 ▲100K 89,630 ▲100K
Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ 74,800 76,400
Vàng nhẫn SJC 99,99 0.3 chỉ, 0.5 chỉ 74,800 76,500
Nữ Trang 99.99% 74,600 75,600
Nữ Trang 99% 72,851 74,851
Nữ Trang 68% 49,063 51,563
Nữ Trang 41.7% 29,178 31,678

 

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 27/5/2024

Giá vàng trong nước kém tươi sáng vào tuần qua khiến nhà đầu tư lỗ gần 3 triệu/lượng chỉ sau 1 tuần.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng SJC ở ngưỡng 87,5 – 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng với chênh lệch giá mua và bán ở ngưỡng cao, đà sụt giảm mạnh của vàng khiến nhà đầu tư ngắn hạn lỗ nặng chỉ sau 1 tuần.

Hiện chênh lệch giá vàng mua – bán hiện nay được niêm yết quanh ngưỡng 1,8 – 2 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này quá cao, là ngưỡng an toàn đối với giới kinh doanh nhưng sẽ khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.

Giá vàng nhẫn 9999 vào đà giảm.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn 9999 niêm yết ở 75,16 – 76,66 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 560.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 460.000 đồng/lượng chiều bán ra, so với chốt phiên giao dịch tuần trước.

Tại Họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP. Hồ Chí Minh vừa qua, Tổng giám đốc Công ty SJC Lê Thúy Hằng đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này, còn bị mang tiếng trục lợi.

Lãnh đạo SJC cho biết, năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia, vì họ chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Cũng trong năm này, Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng ra đời để kiểm soát nguồn cung, chống “vàng hóa” nền kinh tế. Bà Hằng cho rằng, Nghị định 24 đã có thành công nhất định khi giúp ổn định nền kinh tế, chống “vàng hóa”, nhưng cũng tạo ra những rào cản khi doanh nghiệp không được nhập, không sản xuất và dập vàng miếng.

“Trước khi Nghị định 24 ra đời chưa bao giờ có tình trạng cầu vượt cung và chênh lệch giá vàng như hiện nay”, Tổng giám đốc SJC cho rằng, Nghị định cần được sửa đổi để phù hợp thực tế hiện nay.

Giá vàng hôm nay 27/5/2024: Giá vàng
Giá vàng hôm nay 27/5/2024: Giá vàng mất liền 100 USD, SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng, tìm thấy nguyên nhân vàng thế giới ‘tăng bền vững’. (Nguồn: Kitco News)

Giá vàng thế giới vừa trải qua một tuần giao dịch ảm đạm nhất 5 tháng.

Chốt phiên giao dịch tuần qua (24/5), giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco ở 2,333.30 – 2,334.30 USD/ounce, giảm nhẹ 4,1 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Như vậy, tuần qua, thị trường đã có 3 phiên đi xuống liên tiếp, ngay sau khi lập đỉnh lịch sử vào ngày 20/5 tại 2.449 USD. Đáng chú ý, mỗi ounce vàng đã mất tới gần 100 USD sau hai phiên giảm mạnh vào cuối tuần. Giá vàng hạ trong lúc này là do nhà đầu tư lo ngại lãi suất tại nền kinh tế Mỹ không được giảm sớm.

Ngày 22/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 4, cho thấy các nhà điều hành chính sách tài chính Mỹ chưa vội hạ lãi suất. Một số chuyên gia thậm chí đề cập khả năng tăng lãi – lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý.

Một nguyên nhân khác là S&P Global vừa công bố chỉ số giá sản xuất (PMI) của Mỹ trong tháng 5 lên cao nhất 2 năm. Số liệu này kéo giá đồng USD lên cao, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.

Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại TD Securities nhận định, trong ngắn hạn, USD tăng và triển vọng giảm lãi suất tại Mỹ mờ mịt đã châm ngòi cho làn sóng bán vàng chốt lời. Tuy nhiên, đà giảm sẽ bị hạn chế và dù giá vàng đã giảm liên tiếp vào tuần qua thì tính chung từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới vẫn tăng tới 14%.

Giá vàng thế giới có lý do “tăng bền vững”

Ngân hàng UBS gần đây nâng dự báo giá vàng có thể lên 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay. Ngân hàng này khuyến nghị mua vào khi giá ở mức 2.300 USD trở xuống. Nguyên nhân là số liệu kinh tế Mỹ yếu đi trong tháng 4, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng và bất ổn chính trị còn tiếp diễn.

Về dài hạn, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường vàng thế giới đang đang được định hình lại với những thay đổi cơ bản.

Nhu cầu đầu tư đang được thay thế bằng hoạt động mua của các ngân hàng trung ương – một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy giá mạnh. Đồng thời, ảnh hưởng thị trường đang lan dần từ Tây sang Đông khi người mua châu Á, đặc biệt là các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc, có nhu cầu vàng rất lớn.

Động lực thay đổi này của vàng đã được tiết lộ trong báo cáo hằng năm “Chúng tôi tin tưởng vào vàng_IGWT” của Incrementum AG. Một trong những điểm đáng chú ý, báo cáo nêu bật sự kết thúc của thời “Đại điều độ” – một thời kỳ được đặc trưng bởi lạm phát thấp – và sự khởi đầu cho giai đoạn biến động lạm phát dai dẳng. Môi trường kinh tế mới này củng cố vai trò của vàng như một hàng rào chống lại lạm phát và bất ổn kinh tế.

Chủ đề của báo cáo IGWT năm nay đề cập một cẩm nang mới, khá phù hợp trong môi trường kinh tế hiện nay. Các ngân hàng trung ương và các nền kinh tế thị trường mới nổi đang áp dụng các chiến lược mới, trong đó, vàng được coi như một tài sản tiền tệ quan trọng; tuy nhiên, các nhà đầu tư phương Tây vẫn tiếp tục đọc lại vở kịch cũ khi họ tập trung vào chính sách tiền tệ và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Trên thực tế, là một tài sản không mang lại lợi nhuận, việc nắm giữ vàng trong khi lãi suất vẫn ở mức hạn chế có thể tốn kém. Dù đây vẫn là một đặc điểm của vàng nhưng nó không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Các ngân hàng trung ương đã mua vàng với tốc độ chưa từng thấy, nhưng họ không hề đơn độc. Các nhà phân tích đã lưu ý rằng, vàng đang trở thành một kim loại tiền tệ quan trọng trên toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Steve Land, Giám đốc Danh mục đầu tư chính của Quỹ kim loại quý và vàng Franklin Templeton, nói rằng, sự gia tăng hoạt động phi tập trung trên thị trường vàng có thể là dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang sử dụng kim loại quý để giải quyết thương mại quốc tế.

Steve Forbes, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập của Forbes Media, đề cập trong một bài bình luận gần đây rằng, thế giới đang hướng tới một tiêu chuẩn bản vị vàng mới. Forbes lưu ý rằng, bất chấp sự hoài nghi lan rộng, chế độ bản vị vàng trong lịch sử đã mang lại sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Sức hấp dẫn ngày càng tăng của vàng có ý nghĩa khi bạn nhìn vào quy mô nợ chính phủ trên toàn thế giới. Chuyên gia Forbes lưu ý rằng, tổng nợ toàn cầu là hơn 300 nghìn tỷ USD, gấp 3 lần GDP toàn cầu. Trong khi đó, Steve Land cho biết, nhu cầu vàng có chủ quyền sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia trở nên cô lập hơn.

Chúng ta vẫn có thể thấy, các nhà đầu tư đi theo vở kịch cũ và việc Fed do dự đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo ra một số biến động ngắn hạn và kéo giá thời gian giá xuống thấp hơn. Tuy nhiên, trong môi trường hiện tại, nhiều nhà phân tích cho rằng, vàng vẫn là một tài sản hấp dẫn để mua khi giá giảm.

Nguồn tin: Giá vàng hôm nay 27/5/2024: Giá vàng “lao dốc”, SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng, tìm thấy nguyên nhân vàng thế giới “tăng bền vững” (baoquocte.vn)

Trả lời