Cuộc đua không dễ dàng
Nếu như nhiều năm trước, các ngân hàng TMCP có yếu tố Nhà nước luôn ở Top đầu trong huy động tiền gửi không kỳ hạn thì vài năm trở lại đây, cuộc đua này đã chứng kiến những cuộc “soán ngôi”. Theo đó, Techcombank vượt mặt MB và Vietcombank để vươn lên đứng đầu trong top 3 ngân hàng có CASA tốt nhất.
Cụ thể, trong hai năm 2018-2019, Vietcombank, MB và Techcombank thường bám đuổi sít sao nhau với tỉ lệ CASA trên dưới 30%. Song, đến 2020, bất ngờ đã xảy ra khi Techcombank bứt tốc vượt xa hai thành viên còn lại trong Top 3, với tỉ lệ CASA lên tới 46,1%. Ở vị trí thứ hai, MB tiếp tục thể hiện ưu thế CASA mạnh khi vượt mốc 39%, và Vietcombank đứng thứ ba với khoảng 30%.
Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. (Nguồn: Kinh tế Đô thị) |
Song, cuộc đua huy động nguồn tiền giá rẻ này không hề dễ dàng. Kết quả kinh doanh quý III/2020 của các ngân hàng thương mại cho thấy, có tới 13/23 thành viên có tỉ lệ CASA suy giảm. Cũng có tới 13/23 các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA ở mức thấp, dưới 15%.
“Để có tỷ lệ CASA trên mốc 45% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi tạo cú hích bằng cách thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến.
Và lợi thế và ưu thế trong cuộc đua này đã nghiêng về những thành viên tiên phong dẫn dắt trên lộ trình chuyển đổi số và quan trọng hơn cả, là chuyển đổi đúng hướng để mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Techcombank đã làm được điều đó”- đại diện Techcombank cho biết.
Giao dịch trực tuyến, chìa khóa thu hút tiền gửi
Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Tỷ lệ CASA càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng chia sẻ: “Tỷ lệ CASA 46% là kết quả đạt được từ chiến lược dịch chuyển cơ cấu huy động sang những nguồn vốn có chi phí huy động thấp (huy động không kỳ hạn).
Techcombank kiên định với định hướng tập trung phục vụ toàn diện các nhu cầu tài chính của các phân khúc khách hàng mục tiêu và đưa Techcombank trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng, nhờ đó nâng cao tỷ lệ CASA. Tỷ lệ CASA 46% hiện nay sẽ là lợi thế cạnh tranh giúp cho Techcombank tiếp tục phát triển một cách bền vững về dài hạn”.
Thực tế tại một số ngân hàng, tỉ lệ CASA cao có nguyên nhân từ việc chuyển đổi chiến lược bán lẻ nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã cung ứng và đưa các sản phẩm đa dạng lên ngân hàng số, bao gồm từ các tiện ích thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư.
Các giải pháp này đã mang lại cho khách hàng trải nghiệm tiện lợi vượt trội, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó đưa “kho” tài nguyên tiền gửi không kỳ hạn tại một số ngân hàng trở nên đầy đặn hơn.
Nguồn:http://kinhtedothi.vn/huy-dong-tien-gui-khong-ky-han-cua-cac-ngan-hang-nhung-cuoc-soan-ngoi-410979.html