Thời gian qua, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, làm cơ sở, nền tảng phấn đấu đưa huyện trở thành một quận của Thủ đô trong giai đoạn 2025-2030.
Huyện Thường Tín nhìn từ trên cao. (Ảnh: Quý Tô) |
Thường Tín là huyện ngoại thành phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; nhà thờ Nguyễn Trãi; Văn từ Thượng Phúc…
Bên cạnh đó, Thường Tín còn có 82 làng có nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống, 1 làng nghề Hà Nội với khoảng 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm DN, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.
Một số nghề truyền thống tiêu biểu đã gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay như nghề thêu tay, sơn mài, mộc gỗ dân dụng, điêu khắc, mây tre đan, lược sừng, đan cước lưới… đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.
Gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội huyện Thường Tín đang phục hồi và đạt được kết quả khá toàn diện. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế cơ bản đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước đạt 11.021 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch năm và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị thương mại-dịch vụ ước đạt 8.892 tỷ đồng, đạt 47,7% kế hoạch năm, tăng 15,% so với cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 936 tỷ đồng, đạt 54,% kế hoạch năm và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 748.05 triệu đồng, đạt 64,68% dự toán thành phố giao và tăng 72,06% so với cùng kỳ năm 2022.
Huyện đã tập trung quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Đường vành đai 4 Thủ đô. Kết quả đã giải phóng mặt bằng xong 113,8ha/134,53ha, đạt 84,%. Di chuyển 1.829/1.846 ngôi mộ, đạt 99,8%, được thành phố chấp thuận địa điểm 4 khu tái định cư.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện đến năm 2025 tiếp tục được triển khai quyết liệt, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, trong quý I/2023, Hà Nội đã ban hành Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 đối với xã Minh Cường và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 đối với xã Hồng Vân.
Thêm vào đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được triển khai gắn với các cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xã hội hóa giáo dục”, “Gia đình hiếu học”… tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.
Đồng thời, phong trào từ thiện nhân đạo tiếp tục có hiệu quả với các phong trào, mô hình và cuộc vận động như: “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Hiến máu tình nguyện”; Phong trào “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” được chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực. Phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” trong các lực lượng vũ trang tiếp tục được triển khai sâu rộng, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân năm 2023, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình hình tôn giáo và an ninh nông thôn ổn định.
Thường Tín được đánh là huyện có sự bứt phá về xây dựng hạ tầng kỹ thuật. (Nguồn: Công nghiệp Môi trường) |
Bứt phá về xây dựng hạ tầng
Thường Tín được đánh là huyện có sự bứt phá về xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Một số dự án trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện như: Dự án mở rộng đường Quốc lộ 1A (cũ) vốn ngân sách của TP. Hà Nội làm 1/2 mặt cắt ngang qua địa bàn Thường Tín: đoạn Km189 đến Km194, tổng mức đầu tư: 247,268 tỷ đồng, đang triển khai thi công đạt khoảng 60% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 427 đoạn từ Quốc lộ 21B đến nút giao Khê Hồi (đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ) địa bàn huyện Thường Tín. Tổng mức đầu tư 200,610 tỷ đồng, đang triển khai thi công đạt khoảng 45% khối lượng, hoàn thành trong năm 2023.
Dự án đường liên xã Hà Hồi-Quất Động, tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Dự án cầu vượt nút giao đường Tỉnh lộ 427 với đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 1A (cầu Dương Trực Nguyên).
Tổng mức đầu tư 282,913 tỷ đồng vốn ngân sách huyện, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Dự án mở rộng nâng cấp 1,6km Quốc 1A cũ đủ mặt cắt ngang 30m đi qua thị trấn Thường Tín, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng bằng vốn ngân sách huyện. Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Hồng; Dự án xây dựng mới gần 3km đường trục Ngọc Hồi-Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 đến Tỉnh lộ 429…
Những dự án hạ nêu trên đã tạo nên mạng lưới giao thông chính theo hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, giúp giảm tối đa ùn tắc giao thông, tối ưu thời gian tiếp cận đến trung tâm hành chính, khu công nghiệp, khu du lịch của huyện. Cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ đã góp phần tăng kết nối giao thương, vận chuyển, tạo đòn bẩy cho huyện phát triển toàn diện, bền vững.
Nguồn tin:Huyện Thường Tín: Phấn đấu trở thành một quận của Thủ đô trong giai đoạn 2025-2030 (baoquocte.vn)