Kinh tế Việt Nam 2022: Vượt ‘bão giá’ và khó khăn chồng chất; phục hồi, tăng trưởng thành công

Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi, tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á – những quốc gia có sự so sánh tương quan.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định như vậy khi chia sẻ với phóng viên TG&VN, ngay sau khi Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 sáng nay (29/12).

Kinh tế Việt Nam 2022: Vượt ‘bão giá’ và khó khăn chồng chất; phục hồi, tăng trưởng thành công
Kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng ấn tượng, với nhiều gam màu sáng. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

Điểm sáng trong “bức tranh kinh tế tối màu”

Năm 2022, kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt nhiều biến động khó lường. Đơn cử như xung đột Nga-Ukraine dẫn đến nhiều hệ luỵ chi phối nền kinh tế trên toàn thế giới, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hay sự tăng vọt của giá cả hàng hoá đầu vào.

Tuy nhiên, bất chấp thách thức, nền kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi rõ rệt sau ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê chính thức công bố sáng 29/12 cho thấy, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 8,02% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Trong 3 khu vực kinh tế, phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ nhất chính là khu vực dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Ngoài ra, điểm sáng ấn tượng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và “bão giá”.

Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

“Trước những bối cảnh bất ổn trong và ngoài nước, Chính phủ đã phải thận trọng ‘dò đá qua sông’ và cân đối để đưa ra những giải pháp quyết liệt, phù hợp. Tôi đánh giá, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những điều hành khá linh hoạt và hiệu quả trong việc ổn định tỷ giá cũng như ổn định về thị trường tài chính” – Phó Viện trưởng VEPR, TS. Nguyễn Quốc Việt

Trước bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao, những thống kê trên cho thấy, Việt Nam trở thành một điểm sáng trong “bức tranh kinh tế tối màu” của thế giới. Và không phải ngẫu nhiên mà truyền thông quốc tế ca ngợi rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể xem là “phép màu ở châu Á,” là “điểm sáng tăng trưởng kinh tế” trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Phục hồi, tăng trưởng thành công

Nhận định về số liệu của Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế năm 2022. Trong năm qua, Chính phủ đã làm tốt về mặt ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ loạt giải pháp linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, thanh khoản của ngân hàng đã bớt căng thẳng.

Phó Viện trưởng VEPR khẳng định: “Trước những bối cảnh bất ổn trong và ngoài nước, Chính phủ đã phải thận trọng ‘dò đá qua sông’ và cân đối để đưa ra những giải pháp quyết liệt, phù hợp. Tôi đánh giá, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những điều hành khá linh hoạt và hiệu quả trong việc ổn định tỷ giá cũng như ổn định về thị trường tài chính.

Trong năm 2022, Việt Nam đã có sự phục hồi, tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á – những quốc gia có sự so sánh tương quan”.

Dù vậy, TS. Nguyễn Quốc Việt cũng nhận thấy, những “cơn gió ngược” vẫn đang tác động đến Việt Nam và nền kinh tế vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Theo báo cáo của VEPR, với khó khăn kinh tế toàn cầu trong năm 2023, người dân thế giới sẽ có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế tiêu dùng những cái mặt hàng cơ bản. Nhưng đây lại là những thế mạnh xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ lực những mặt hàng như chế biến chế tạo, điện tử, điện thoại, da giày may mặc, đồ gỗ… những mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào cầu tiêu dùng trên thế giới.

VEPR dự báo, những căng thẳng địa chính trị toàn cầu cùng với lạm phát, các ngân hàng chạy đua lãi suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, những xung đột địa chính trị, đặc biệt xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm cũng sẽ là một trong những “cơn gió ngược” chúng ta cần quan sát.

Ngoài ra, các ngân hàng vẫn có xu hướng chạy đua huy động lãi suất dẫn đến việc lãi suất cho tiếp tục tăng cao có thể sẽ bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp. Mặc dù được nới room tín dụng nhưng với việc dòng vốn quá cao thì các doanh nghiệp sẽ rất khó để tiếp cận, dù có cho vay cũng không dám vay.

Về phía doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, trên thực tế, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập, quyền tự do kinh doanh còn gặp nhiều rào cản, năng lực cạnh tranh còn yếu trên nhiều mặt. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước tuy nhiều về số lượng nhưng yếu về năng lực cạnh tranh; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao còn hạn chế.

Phó Viện trưởng VEPR nhấn mạnh: “Chính vì thế, sau những tháng hồ hởi ban đầu, từ giữa năm 2022 cho đến những tháng cuối năm nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao bào mòn lợi nhuận, thị trường cả trong và ngoài sụt giảm nghiêm trọng. Hiện tại, nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cũng có xu hướng tăng do đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội”.

Nỗ lực giữ đà tăng trưởng

Bước sang năm 2023, nhiều tổ chức cũng dự báo kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn năm nay. Để vượt qua những thách thức, giữ đà tăng trưởng, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, cần phải có sự phối hợp giữa bàn tay quản lý của Nhà nước cũng như sự tự chủ, chủ động vượt qua khó khăn của doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, về phía doanh nghiệp, thay vì chờ đợi và kêu gọi hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp nên chủ động tham gia cùng với cộng đồng các cơ quan tư vấn, cơ quan nghiên cứu chính sách để kịp thời có tiếng nói cải thiện các cách tiếp cận của Nhà nước trong các chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, để các chính sách hài hòa với thị trường, phù hợp quy luật thị trường.

Song song với đó, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý trong năm tới.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Phó Viện trưởng VEPR cho hay, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã giúp bù đắp đáng kể cho những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục đóng một vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước khi các doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi.

Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đến việc thúc đẩy thực thi tốt, tạo môi trường thuận lợi và tăng cường cung cấp thông tin, tiếp tục cải cách chính sách và thể chế để giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các hiệp định đó.

TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định: “Bước sang năm 2023, Việt Nam cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ và tự do và coi đây là khâu đột phá, là động lực quan trọng cho sự phục hồi và tăng trưởng bền vững hậu Covid-19.

Trong quá trình cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, cần nhấn mạnh vai trò và sự quan tâm tới chất lượng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Đặc biệt, cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số. Đây là những nhân tố mới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng công nghiệp 4.0 và những xu hướng mới nổi của nền kinh tế toàn cầu”.

Nguồn tin: Kinh tế Việt Nam 2022: Vượt ‘bão giá’ và khó khăn chồng chất; phục hồi, tăng trưởng thành công (baoquocte.vn)

Trả lời