Cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn là tâm điểm của 2021

Cuộc chiến không tiếng súng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn vẫn là một trong những tâm điểm đáng chú ý nhất trong năm 2021.

Ý tưởng lập liên minh nhằm tạo áp lực, gây sức ép kinh tế với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden là một cách tiếp cận mới, sau bốn năm Mỹ chọn con đường đơn phương “nói chuyện” với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden tại Mỹ, năm 2016. (Nguồn: Getty)

Chương mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung

Câu chuyện Mỹ-Nhật-Australia từng hợp tác gây sức ép với Trung Quốc nhằm dỡ bỏ sự kìm hãm đối với họ về các khoáng sản đất hiếm cần thiết trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, được nêu ra là một bằng chứng cho tính hiệu quả của ý tưởng liên minh gây sức ép cho Bắc Kinh.

Theo Cố vấn an ninh quốc gia được chỉ định của Tổng thống đắc cử Joe Biden, ông Jake Sullivan, Trung Quốc luôn thấy được lối thoát thông qua các mối quan hệ kinh tế của họ với những nước khác. Chỉ bằng cách đóng các lối thoát đó thì mới có thể khiến Trung Quốc kiềm chế các hành vi lạm dụng thương mại. Vì vậy, áp lực đa phương được cho là sẽ hiệu quả để khiến Bắc Kinh khó có thể dùng nước này chống lại nước khác bằng cách đưa ra “phần thưởng” là ưu đãi tiếp cận thị trường rộng lớn của họ.

Việc lập liên minh để đối phó với Bắc Kinh là cách tiếp cận khác hẳn với Tổng thống Trump – từng căng thẳng với cả các đồng minh khi đối đầu với Trung Quốc.

Dù vậy, nếu cách tiếp cận của ông Trump đã thay đổi được quan điểm trong mối quan hệ Mỹ-Trung, hình thành quan điểm rằng, Trung Quốc không chỉ là đối thủ cạnh tranh mà còn là mối đe dọa với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ; thì cách tiếp cận mới bằng một chiến lược đa phương của ông Biden cũng đã chia sẻ một quan điểm rằng, Trung Quốc đặt ra thách thức lớn với vai trò lãnh đạo kinh tế và chính trị của Mỹ trong thế kỷ XXI.

Ông Biden cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc cướp công nghệ của các công ty Mỹ, trợ cấp không công bằng cho các công ty Nhà nước.

Truyền thông quốc tế đưa tin, Chính quyền mới của ông Biden có kế hoạch mời gọi các nước đồng minh hàng đầu cho các liên minh về công nghệ, bao gồm cả việc phát triển các công nghệ viễn thông mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào thiết bị 5G từ Huawei.

Một số đề xuất khác liên quan đến việc ngăn chặn việc bán công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, hiện do các công ty ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu thống trị, để cố gắng kìm chân các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, nước này đang để mắt đến Chính quyền Mỹ mới một cách thận trọng, trong khi vẫn muốn cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, từ chiến lược phát triển “tuần hoàn kép” đến tám nhiệm vụ đã được xác định tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương, có thể thấy Bắc Kinh đang rất cảnh giác với các sức ép từ bên ngoài.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ông Biden chắc sẽ không bỏ qua nhu cầu cải thiện quan hệ từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Chính quyền mới khó có thể bước qua hoặc lấp đầy những “hố sâu” trong mối quan hệ hiện tại. Các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh của Tổng thống Trump với 3/4 kim ngạch nước này xuất qua Mỹ (tương đương 370 tỷ USD hàng hóa) khó có thể đảo ngược một cách nhanh chóng, kể cả khi được Tổng thống Mỹ đắc cử Biden ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Biden hiện công khai cam kết tiếp tục thành quả cuộc chiến thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Đội ngũ của ông Biden cũng chưa đưa ra cam kết gì đối với các cuộc đàm phán mới trong thời gian tới.

Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị

Cũng là điều dễ hiểu nếu Chính quyền của ông Biden muốn phối hợp với các đồng minh để đối phó với Trung Quốc. Nhưng Chính sách “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump từng xung đột toàn diện với đồng minh. Mặc dù, Chính quyền Mỹ mới có thể muốn thay đổi chính sách này của ông Trump, nhưng việc kêu gọi phối hợp để hình thành sức mạnh tổng hợp cứng rắn để đối đầu là vấn đề không dễ dàng.

Các đồng minh tiềm năng có thể sẽ miễn cưỡng tham gia một liên minh mới, sau bốn năm Washington chọn con đường đơn phương tiếp cận Trung Quốc và chỉ đề cao lợi ích Mỹ. Thậm chí, trước nhiền toan tính riêng từ các đồng minh, Mỹ còn có nguy cơ bị mắc kẹt trong những cuộc đàm phán, thay vì dẫn dắt được các thành viên.

Ngoài ra, xét về lợi ích, các đồng minh của Mỹ ít nhất còn lo ngại khả năng mất đi một thị trường khổng lồ. EU đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc sau bảy năm đàm phán, đã đưa ông Tập vào một vị trí mạnh mẽ hơn với chính quyền mới của Mỹ, như một lời nhắc nhở rằng không thể coi thường sự ủng hộ của châu Âu.

Trong lúc cách tiếp cận mới mẻ của Tổng thống đắc cử Mỹ vẫn còn để ngỏ nhiều vấn đề thì giới phân tích không ít người cho rằng, Bắc Kinh đã sớm nhận diện nguy cơ để chuẩn bị đón thách thức mới, thậm chí Trung Quốc còn được cho là đã đi trước một bước.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tích cực theo đuổi kế hoạch tiếp cận đa phương để thu hút càng nhiều càng tốt các đồng minh của Mỹ vào quỹ đạo kinh tế của mình. Bắc Kinh cũng xúc tiến các hợp tác thương mại song phương với từng nước với các tính toán riêng.

Trung Quốc cũng được cho là nỗ lực thông qua các tổ chức quốc tế, để kiểm soát tốt hơn “cuộc chơi quốc tế”. Chẳng hạn, mối quan tâm của Trung Quốc trong việc hoàn thành Hiệp định RCEP (tháng 11/2020) với 14 quốc gia khác, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, trong bối cảnh sức ép thương mại tăng dần từ Chính quyền Mỹ.

Hay Hiệp định đầu tư toàn diện Trung-Âu (CAI) mới được ký kết nhằm tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với đồng minh châu Âu của Mỹ. Gần đây, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ xem xét việc tham gia CPTPP – Hiệp định mà Mỹ đã rút khỏi phiên bản ban đầu (TPP).

Trong giới học giả, nhiều người cho rằng, Trung Quốc đã tranh thủ tốt các cơ hội hợp tác quốc tế đa phương và song phương, tận dụng tối đa các mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ và đẩy Washington ra càng xa càng tốt.

Điều này đồng nghĩa với sức ép và các biện pháp trừng phạt của Mỹ từ các lĩnh vực thương mại, công nghệ, vốn… về cơ bản sẽ không làm giảm sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, ngược lại, Washington có thể sẽ phải tự gánh chịu thiệt hại. Hơn nữa, “khoảng trống” Trung-Mỹ cũng sẽ có các đồng minh Nhật Bản, châu Âu… điền vào.

Trong thời đại của ông Biden, Mỹ đứng trước sự lựa chọn mới đối với Trung Quốc. Đây là một cuộc cạnh tranh đầy phức tạp, đồng thời cũng là thời kỳ mới mà nguy cơ và cơ hội cùng tồn tại.

Nguồn:https://baoquocte.vn/canh-tranh-my-trung-van-la-tam-diem-cua-2021-133934.html

Trả lời