Chiều 21-1, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan, các Bộ Ban Ngành trung ương và địa phương tổ chức Diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội năm 2022”. Diễn đàn là nơi để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, những bài học, cơ hội và những đề xuất hỗ trợ trong năm 2022.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khi các nguồn lực dự trữ đang cạn dần mà chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm, dẫn đến sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tiếp tục suy giảm.
Triển khai Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan, các Bộ Ban Ngành trung ương và địa phương tổ chức Diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội năm 2022”.
Tham gia diễn đàn, về phía các cơ quan Trung ương có Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Tiến sĩ Lê Minh Nam – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về phía cơ quan chủ trì diễn đàn, có PGS – TS Trần Đình Thiên; TS Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME); ông Nguyễn Văn Từ – Chánh văn phòng Hiệp hội. Sự kiện còn có sự tham dự của các đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các viện nghiên cứu; nhà khoa học và lãnh đạo một số doanh nghiệp.
TS.Tô Hoài Nam phát biểu khai mạc.
Tại Diễn đàn, TS.Tô Hoài Nam phát biểu khai mạc: “Với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn, khống chế dịch bệnh, khôi phục hồi sản xuất, đảm bảo cả hai mục tiêu vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế. Tại Diễn đàn ngày hôm nay, chúng ta sẽ lắng nghe các bài tham luận, các ý kiến của các nhà khoa học, các đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp về thuận lợi và khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế, những góc nhìn và điểm sáng, những hành động đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp, đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế”.
ông Lê Minh Nam – Trường trực Ủy ban tài chính – Ngân sách Quốc Hội.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Lê Minh Nam – Trường trực Ủy ban tài chính – Ngân sách Quốc Hội chia sẻ: “Tôi rất mong muốn các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và ngược lại cũng nên tiếp thu những ý kiến đóng góp về các mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội. Tôi tin rằng với cách đặt vấn đề như thế chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hai năm qua cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong năm 2022”.
Cũng theo ông Minh Nam, các ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp sẽ được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phân tích, đánh giá, tổng hợp và đề đạt ý kiến chính thức lên diễn đàn quốc hội, theo đó giúp cho việc ban hành các chính sách sát thực, khả thi và hiệu quả. “Tôi mong muốn rằng các diễn đàn như thế này cần được tổ chức thường xuyên hơn, sâu rộng hơn, đặc biệt là tận dụng công nghệ trong thời đại 4.0 để nhiều doanh nghiệp đóng góp ý kiến hơn, giúp cho chúng ta có được tiếng nói toàn diện, đầy đủ, chất lượng và đại diện được cho phần lớn những đối tượng thụ hưởng, chấp hành chính sách”, ông Minh Nam nói thêm.
Có thể coi Diễn đàn hôm nay là nơi để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, những bài học, cơ hội và những đề xuất hỗ trợ; đồng thời cũng là nơi các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính đưa ra định hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
Diễn đàn đã nêu ra những nội dung chính cần trao đổi như: Đánh giá về thực trạng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới; Tác động ảnh hưởng của dịch bệnh và khủng hoảng nhân lực, tài chính trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực trạng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tại địa phương. Bên cạnh đó là sự chia sẻ, hỗ trợ từ các ngân hàng, tập đoàn lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và thực tế của việc chuyển đổi số Ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả.
Tại Diễn đàn cũng nêu ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là gói kích thích và phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng mà kỳ họp quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa thông qua. Trong đó có chính sách mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN …
Từ đó đưa ra các nhận định về tác động của các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp và nền kinh tế; chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, PGS – TS Trần Đình Thiên đã nhấn mạnh trong tình hình khó khăn hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp nhiều hơn nữa dù 2 năm qua các ngân hàng chia lửa, đồng hành rất tích cực với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ vì lãi suất còn cao, doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó, quy định không phù hợp với tình huống bất bình thường hiện nay.
“Về phía doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cần có cách tiếp cận bài bản hơn, không chung chung, để các ngân hàng không bị “mắc tội”. Những đề xuất cụ thể tại Diễn đàn như: cho vay tín chấp 1 tỷ đồng là điều mà doanh nghiệp đã kêu thảm thiết suốt 2 năm qua; Doanh nghiệp muốn được vay tín chấp; Hệ thống ngân hàng hãy đặt niềm tin vào doanh nghiệp, tạo điều kiện hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp; Hạ lãi suất chưa quan trọng bằng kéo dài thời gian cho vay; Nhu cầu tiếp cận vốn quan trọng hơn là hạ lãi suất… Đề xuất này của doanh nghiệp xuất phát từ thình hình thực tế của doanh nghiệp”, ông Thiên bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Đông – Tổng Giám đốc Công ty Hoa Lan: Hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số để các doanh nghiệp thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới.
Sau 2 năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Hoa Lan gặp vô vàn khó khăn. Tuy vậy, trong khó khăn, doanh nghiệp đã thực hiện việc cải tiến máy móc thiết bị, giảm lao động với việc dây chuyền sản xuất giảm từ 6 người xuống còn 4 người. Những nỗ lực vượt khó của Hoa Lan đã giúp doanh nghiệp đến giờ làm không hết việc khi có nhiều đơn từ nước ngoài. Doanh nghiệp cũng bán hàng thuận lợi hơn khi áp dụng hình thức kinh doanh mới trên môi trường số. Tôi mong rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số để các doanh nghiệp thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới.
Đại diện Công ty Vietgo: Muốn khuyến khích được các doanh nghiệp thương mại cần điều chỉnh ngay việc hoàn thuế VAT
Trong cấu trúc của thị trường xuất khẩu, bắt buộc phải khuyến khích đối tượng làm thương mại. Trong ngành xuất khẩu có 2 đối tượng: công ty sản xuất và công ty thương mại. Hiện công ty sản xuất đều nằm ở các tỉnh, công ty lớn đã xuất khẩu được, những công ty trực tiếp xuất khẩu được mới chỉ hơn 10%. Còn các doanh nghiệp khác sản xuất và bơm hàng để xuất khẩu đi. Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp thương mại. Muốn làm được việc này, phải thay đổi một thế hệ doanh nghiệp, các doanh nghiệp mới.
Muốn khuyến khích được các doanh nghiệp thương mại cần điều chỉnh ngay việc hoàn thuế VAT. Muốn khuyến khích được doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp sẽ mua hàng của công ty sản xuất trong nước, chắc chắn họ được hoàn thuế VAT. Thông thường doanh nghiệp thương mại sẽ để lại khoảng 30%. Với việc VAT đầu vào doanh nghiệp không được hoàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang để ra đấy khoảng 7%. Chúng ta có đội ngũ giành FTA rất mất công để có được mức thuế ưu đãi trong khi để mất 7% này là quá đáng tiếc.
Khi doanh nghiệp trong nước xuất khẩu quá khó để hoàn thuế, nên họ cộng thêm vào lãi và khi họ cộng thêm vào lãi, có nghĩa là họ cộng thêm 7%, từ đó giá bị đội lên 7%.
Kiến nghị thứ hai là khơi thông dòng chảy về vốn. Vốn ngoại là vô tận – phải khơi được nguồn vốn này, khi đó cả doanh nghiệp, Nhà nước và ngân hàng đều được lợi. Nếu có đội ngũ tư vấn thanh toán quốc tế chuyên nghiệp thì tức khắc khơi thông được vốn ngoại. Theo đó, ngân hàng sẽ “mở toang”, từ chốt nhỏ sẽ mở toang cánh cửa lớn.
Bảo Bảo – Đỗ Nhung