Để đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu. Vậy đâu là thách thức lớn nhất và yếu tố then chốt?
Thách thức lớn nhất đối với kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, theo tôi, chính là tiềm lực của chúng ta, của quốc gia cũng như bản thân các doanh nghiệp. Để phát triển kinh tế xanh, cần có sự thay đổi bứt phá về công nghệ, sở hữu những công nghệ mới, hiện đại, đòi hỏi sự đầu tư và nguồn lực tài chính lớn.
Bên cạnh đó, thách thức về khuôn khổ pháp lý, các chương trình, mục tiêu chiến lược của chúng ta hiện nay chưa thực sự đồng bộ và hoàn thiện. Chúng ta chưa có kế hoạch, hành động tổng thể cho các doanh nghiệp, các khu vực kinh tế để cùng hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhanh chóng.
Theo tôi, yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi xanh vẫn là phải chuyển đổi về mặt công nghệ. Chúng ta cần tiếp cận những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để có thể thích ứng với quá trình chuyển đổi đó.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều ở quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, lại chịu tác động đáng kể từ đại dịch Covid-19 nên nguồn lực còn hạn hẹp. Để tiếp tục tồn tại, doanh nghiệp đứng trước bài toán chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới, đòi hỏi sự đầu tư những thiết bị, công nghệ hiện đại. Nếu để doanh nghiệp “tự thân vận động” thì rất khó bứt phá vươn lên.
Do đó, chúng ta cần tác động từ hai phía. Thứ nhất, hỗ trợ về chính sách để tạo xung lực giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới. Thứ hai, tạo ra một hệ sinh thái để kết nối các doanh nghiệp nhỏ với nhau, cùng hỗ trợ lẫn nhau. Ở đó, mỗi doanh nghiệp đảm nhận một khâu trong quá trình chuyển đổi, dần tạo nên sức mạnh tổng thể cho sự phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của quốc gia.
Ông đánh giá thế nào về nhận thức và sự chủ động của doanh nghiệp trong quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh?
Doanh nghiệp nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Tuy nhiên, từng doanh nghiệp nếu đứng riêng sẽ rất khó có thể tự mình đạt được mục tiêu, trừ những doanh nghiệp có tiềm lực rất lớn, có thể hoàn toàn tự chủ được về nguồn lực tài chính cũng như quy trình thay đổi công nghệ.
Vì vậy, tôi cho rằng, Việt Nam cần có một chương trình, kế hoạch hành động tổng thể, quy mô quốc gia. Đi kèm với đó là một hệ thống cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp sẽ tự định vị xem mình đứng ở đâu, vị trí nào trong hệ thống đó.
Nếu tham gia, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, hấp dẫn, nếu không sẽ gặp nhiều bất lợi. Từ đó, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao nhận thức và có chiến lược hành động cụ thể cho riêng mình.
Có mô hình quốc tế nào mà chúng ta có thể học tập?
Thế giới hiện nay có nhiều mô hình về chuyển đổi xanh, theo nhiều hướng khác nhau. Có những quốc gia đi sâu vào quá trình thay đổi công nghệ, thay đổi ở những khâu then chốt, từ đó kéo theo các khu vực khác phát triển. Một số quốc gia khác lại đi theo hướng tái cấu trúc nền kinh tế, sử dụng những ngành, lĩnh vực mà nền tảng của nó tạo ra nguồn lực cho phát triển xanh.
Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang là cơ hội để cho các nước đi sau có thể vươn lên nắm bắt để đi trước. Việt Nam là nước đi sau nên phát triển kinh tế xanh sẽ là cơ hội để chúng ta bứt phá vươn lên. Đồng thời, việc chúng ta đi trước về ứng dụng công nghệ mới sẽ tạo ra những thay đổi có tính đột phá, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tài chính xanh đang là xu hướng lớn trên toàn thế giới với sự tham gia vào cuộc của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Đâu là cơ hội tiềm năng để Việt Nam có thể tiếp cận nguồn lực này?
Việt Nam đang có hai cơ hội để tiếp cận nguồn lực tài chính xanh. Thứ nhất, chúng ta đang ở giai đoạn thu hút đầu tư bên ngoài rất mạnh. Nếu như chúng ta có đủ điều kiện về hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái tốt thì chúng ta sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới. Đó là những nhà đầu tư đáp ứng được nhu cầu về quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Một cách tự nhiên, họ sẽ là những người mang luồng tài chính xanh từ thế giới vào trong nước.
Thứ hai, chúng ta đang có sẵn những điều kiện, nền tảng trong nước có khả năng nhận được các nguồn tài trợ xanh. Là một quốc gia có nền tảng kinh tế nông nghiệp – lĩnh vực có thể chuyển đổi trong quá trình cân bằng carbon. Đây cũng sẽ là lĩnh vực tiềm năng để Việt Nam nhận được các nguồn tài chính, tài trợ xanh từ các tổ chức trên thế giới.
Một trong những khâu quan trọng nhất liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh là chuyển đổi năng lượng. Dự kiến, Luật Điện lực sẽ được nghiên cứu và lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 năm nay. Ông có gợi ý gì về sự thay đổi, điều chỉnh trong bộ luật này để phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam?
Năng lượng được xem là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng từ các dạng năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch thì chúng ta sẽ không thể thành công trong quá trình chuyển đổi xanh.
Theo tôi, Luật Điện lực lần này phải hướng đến điều chỉnh các quan hệ, trong đó phải làm sao thực sự tạo ra một khuôn khổ pháp lý khuyến khích, thúc đẩy tạo ra các nguồn năng lượng sạch. Bên cạnh đó, cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc cho việc sử dụng những nguồn năng lượng không tiết kiệm, gây ra phát thải, ô nhiễm.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ ban hành vào tháng 5/2023 có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình chuyển đổi xanh?
Quy hoạch điện VIII không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành điện lực, mà còn là cơ sở để Việt Nam thực hiện những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới.
Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Đây sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam vì vấn đề then chốt của quá trình này vẫn là chuyển đổi năng lượng. Nếu chúng ta thực hiện tốt Quy hoạch Điện VIII sẽ là cơ sở vững chắc nhất để chúng ta thực hiện thành công chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.
Là một trong sáu nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cùng với đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực. |
Nguồn tin: Tăng trưởng xanh: Cần kế hoạch hành động tổng thể (baoquocte.vn)